Thuế chồng thuế
Cụ thể, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật thuế TTĐB đã quy định các DN sản xuất rượu bia sẽ phải đóng thuế TTĐB theo giá bán cao nhất của các đơn vị kinh doanh trực thuộc, thay vì theo giá bán của cơ sở sản xuất như cách tính hiện nay. Với cách tính mới, mức giá tính thuế sẽ cao lên, đồng nghĩa mức thuế phải đóng cũng tăng theo.
Tính toán của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho thấy, với cách tính mới, chỉ riêng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trong năm 2015, sẽ phải đóng thêm 235 tỷ đồng tiền thuế, trong khi Habeco chiếm 20-22% tổng sản lượng bia cả nước.
Quy định mới sẽ làm khó DN trong kiếm soát giá |
Đồng quan điểm, lãnh đạo của Công ty TNHH bia châu Á – Thái Bình Dương cho biết, theo lộ trình tăng thuế trước đây thì trong 3 năm tới, mỗi năm thuế TTĐB đối với ngành bia rượu sẽ tăng lên 5%. Thời điểm này các DN đang gấp rút xem xét lại cơ cấu đầu tư cũng như phương án sản xuất kinh doanh để điều chỉnh lại cho phù hợp.
Trong khi DN vẫn đang hết sức nỗ lực, một mặt đảm bảo việc tăng thuế không ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất, thì quy định tính thuế mới như một “đòn trời giáng” xuống DN.
Lãnh đạo DN này cho rằng, cùng một lúc cơ quan quản lý đã tăng 2 lần thuế. “DN đang rất cố gắng, nhưng nếu nhà nước cứ đề ra chính sách theo hướng ngày càng gia tăng chi phí cho sản xuất thì rất khó khăn cho chúng tôi”, vị này bức xúc nói.
Bên cạnh đó, đề xuất giá tính thuế thông qua các công ty con, công ty liên kết cũng vô hình trung làm cho công tác kê khai thuế ngày càng phức tạp, gây nhiều phiền hà trong việc thực hiện của cả DN cũng như cơ quan thuế.
Ông Vũ Xuân Dũng, Phó tổng giám đốc Habeco phân tích, nếu tính theo giá cao nhất của công ty con, công ty liên kết, thì các công ty sản xuất như Habeco không thể kiểm soát được giá bán, do tuỳ thuộc thời điểm, mùa vụ, vị trí địa lý của công ty liên kết, sẽ niêm yết giá bán khác nhau.
Chẳng hạn, công ty ở địa bàn thuận lợi thì giá bán thấp, địa bàn khó khăn thì do vận chuyển phức tạp giá sẽ cao hơn. Chưa kể yếu tố mùa vụ, thời tiết cũng chi phối giá bán bia ngoài thị trường. Do đó, quy định như vậy sẽ rất khó cho DN trong kiểm soát giá.
Ông Ngô Quý Linh, Giám đốc Công ty TNHH Bia Anheusr – Busch InBev Việt Nam cũng phản đối mạnh mẽ quy định này với nhiều lập luận cho rằng, cách tính mới có thể vô tình đẩy DN vào con đường phạm luật. Ông Linh khẳng định, DN không thể kiểm soát toàn bộ giá bán ra của các cơ sở thương mại khi hệ thống phân phối dày đặc khắp các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hoá.
Chưa kể khi vào đến từng nhà hàng, khách sạn mức giá một chai bia có thể đội lên tới 3-4 lần so với giá thị trường, cho thấy mặt bằng giá rất đa dạng. Hậu quả là ngay khi kê khai thuế, DN có thể đã bị sai sót và “liệu cơ quan thuế thấy chúng tôi không làm được có cho rằng chúng tôi cố tình kê khai sai hay không?”, ông Linh đặt câu hỏi.
Chưa kể, với cách xác định giá tính thuế TTĐB theo giá cơ sở bán ra thì DN phải thường xuyên kê khai về giá. Vậy có thể hiểu là cơ quan quản lý nhà nước đang quản lý giá bán bia? Điều này có phù hợp không? Nhiều DN đồng loạt đặt câu hỏi.
Gây xáo trộn bộ máy DN
Ông Ngô Quý Linh cũng cho rằng, ban soạn thảo đã chưa cân nhắc tới tập quán hoạt động kinh doanh của DN, đặc biệt là DN FDI như công ty này. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia thường tách bạch giữa quan hệ sản xuất và quan hệ thương mại.
Bản thân DN cũng tìm kiếm đối tác phân phối theo hợp đồng mua đứt bán đoạn và DN thương mại có nhiệm vụ phát triển thị trường, mở rộng khách hàng, hoạt động trên cả nước, chịu nhiều chi phí kho hàng, vận chuyển, bộ máy, quản lý thị trường… Do đó hai bộ máy làm việc tách bạch. Nếu theo quy định mới, DN sẽ phải sắp xếp lại bộ máy sản xuất, kinh doanh để đáp ứng quy định, gây xáo trộn vô cùng lớn.
Ban soạn thảo dự thảo Nghị định đã lập luận rằng, cách tính mới nhằm tránh trường hợp DN thành lập công ty con để phân phối sản phẩm, chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại để giảm giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời giảm nghĩa vụ thuế phải nộp cho NSNN. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về chống chuyển giá đã có. Với cách làm này, cơ quan thuế dường như đang muốn tận thu và đẩy cái khó cho DN.
Đại diện Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lo ngại các quy định này có thể trở thành “biến tướng” của điều kiện kinh doanh, vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực gỡ bỏ trong thời gian gần đây. Đồng thời, việc thay đổi chính sách mà thiếu các lập luận chính đáng cũng ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát kiến nghị, trong bối cảnh hội nhập, thì ngành này đang có những đóng góp tích cực, là ngành phát triển khá tốt, vì vậy mong cơ quan quản lý cố gắng ổn định về chính sách, tạo điều kiện cho ngành phát triển.
Ngọc Khanh