Thương mại điện tử: Cần chính sách đồng bộ để tạo cú hích

11:07 | 27/03/2019

Song song với sự phát triển vững chắc của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Kết nối hàng Việt trong kỷ nguyên số
Doanh nghiệp thương mại điện tử được thời
Sắp diễn ra Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019

“Năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam đã nhận định như vậy tại Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam (VOBF) 2019 do Hiệp hội này phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số tổ chức.

Song song với sự phát triển vững chắc của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT. Dựa trên thông tin từ cuộc khảo sát, VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của TMĐT năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30%.

thuong mai dien tu can chinh sach dong bo de tao cu hich

Về quy mô, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Trong khi theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Trong khi đó, theo một báo cáo của Nielsen và Demand Institute, trong thời đại kinh tế số hiện nay, mức thu nhập của tầng lớp trung lưu chưa đủ để xác định người tiêu dùng có tiềm năng tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Người tiêu dùng kết nối sẽ là nguồn tăng trưởng mới. Họ là những người thường xuyên kết nối với Internet và có mức sẵn sàng chi tiêu cao. Người tiêu dùng kết nối có xu hướng mua sắm đa kênh (omni-channel). Trước khi mua, họ sẽ thu thập và tìm kiếm thông tin về sản phẩm để tham khảo từ cả hai nguồn online và offline. Và 4 trong 5 người tiêu dùng kết nối sẽ tham khảo các nhận xét về sản phẩm trên các kênh trực tuyến (83%) và đặc biệt họ sẽ tìm kiếm nhận xét từ mạng xã hội (74%) trước khi quyết định có mua sảm phẩm đó hay không.

Trong lĩnh vực kinh doanh, mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với tiếp thị và quan hệ khách hàng. Mạng xã hội cũng hỗ trợ các DN phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện tổ chức và hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D)…

Vấn đề bất cập lớn đối với phát triển TMĐT là việc bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân tuy nhiên, tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân vẫn diễn ra phổ biến. Và nguy cơ bị thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng với TMĐT.

Đối với TMĐT qua biên giới, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu phát triển nhanh lĩnh vực này, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu; giao dịch TMĐT loại hình DN với DN [B2B] chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020. Tuy nhiên, hết năm 2018 hoạt động TMĐT xuyên biên giới loại hình B2C còn gặp nhiều khó khăn ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Cụ thể với một số sàn TMĐT tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cho người bán hàng nước ngoài. Người mua có thể trả lại hàng nếu hàng hóa không đúng như quảng cáo và không bị tính tiền vận chuyển món hàng trả ngược lại người bán ở nước ngoài. Nói chung, người mua có khuynh hướng thanh toán khi nhận hàng (COD). Tuy độ rủi ro của COD là cao nhưng nhiều sàn TMĐT sẵn sàng chấp nhận để đưa hàng đến tay người tiêu dùng với hy vọng lòng tin của người tiêu dùng sẽ được củng cố theo thời gian. Hàng hóa đã được người tiêu dùng chấp nhận, thì đơn vị quản lý sàn phải đối mặt với khó khăn mua ngoại tệ và thanh toán lại cho nhà bán hàng xuyên biên giới…

Được biết, đến nay sau 8 năm liên tiếp, Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBl) đã trở thành nguồn thông tin tin cậy phản ánh tình hình hiện tại, những vấn đề nổi bật và xu hướng phát triển của TMĐT cả nước cũng như từng địa phương, góp phần vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết, Báo cáo Chỉ số TMĐT 2019 cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất bao gồm: lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều