Thương vụ Sabeco và niềm tin vào Chính phủ

12:00 | 20/12/2017

Với việc bán vốn thành công trị giá 4,8 tỷ USD tại Sabeco vừa diễn ra, Chính phủ đã hoàn thành vượt kế hoạch thoái vốn trong năm 2017 và còn tạo ra được dư địa thoái vốn cho kế hoạch của năm 2018.

Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng từ đấu giá cổ phần Sabeco
Chứng khoán tuần: Nhấp nhổm chờ đấu giá Sabeco
Bộ Công thương công bố phương án và lộ trình thoái vốn cho Sabeco

Cùng với “thương vụ tỷ đô” Vinamilk hoàn thành cách đây một tháng, việc bán thành công 343,66 triệu cổ phần vốn nhà nước tại Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ có giá trị khoảng 4,8 tỷ USD vào hôm 18/12 là minh chứng rõ nhất cho việc thị trường tin vào quyết tâm của một nhà nước kiến tạo, minh bạch, tôn trọng các quy tắc của thị trường và quan trọng hơn cả là đáp ứng được kỳ vọng tạo sức bật mới về quản trị, kinh doanh cho DN trong tương lai.

Từ cuối tháng 11/2017, Bộ Công Thương quyết định chốt mức giá cổ phần mà nhà nước đang sở hữu tại Tổng công ty Bia, Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là 320.000 đồng/cổ phần, cao gấp 32 lần mệnh giá, đã khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng quá cao và nghĩ thương vụ thoái vốn lần một theo kế hoạch này sẽ khó thành công.

Không chỉ các nhà đầu tư, một số lãnh đạo các cơ quan quản lý hoạt động cổ phần hoá tại một số bộ, ngành cũng lo lắng cho thương vụ này với cùng một nguyên nhân trên khi chia sẻ với báo giới.

thuong vu sabeco va niem tin vao chinh phu

Một vài ý kiến còn đề xuất trước khi bán vốn khối lượng lớn, Bộ Công Thương có thể bán trước một tỷ lệ nhỏ để bổ sung thêm khối lượng cổ phần Sabeco đang giao dịch sẵn có cho thị trường để giảm bớt giá cổ phiếu (lúc đó đang có mức giá trên 309.000 đồng/cổ phần), tham chiếu được giá hợp lý sẽ giúp thương vụ này thành công.

Thậm chí, các đơn vị tư vấn định giá cho Bộ Công Thương đã đề xuất giá khởi điểm chào bán cạnh tranh thấp hơn gần một nửa mức hiện tại để đấu giá. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã kiên trì việc định giá theo tín hiệu của thị trường, dựa trên năng lực của Sabeco - “con gà đẻ trứng vàng” cho bất kỳ nhà đầu tư chiến lược nào quan tâm tới DN này.

Trước sức nóng của việc bán vốn, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật thông tin từ thị trường, thực hiện chế độ báo cáo liên tục, hàng ngày tới Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tất cả quá trình bán vốn diễn ra công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm chi phối.

Và sau 3 tuần công bố mức giá khởi điểm, toàn bộ 53,59% số cổ phần nhà nước tại Sabeco bán ra, đã được hấp thụ qua một tổ chức là Công ty TNHH Vietnam Beverage (do Công ty ThaiBev hoạt động trong ngành bia, giải khát của Thái Lan nắm giữ 49% vốn điều lệ) và một cá nhân ở Hà Nội mua thành công 20.000 cổ phần.

LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico nhận định, việc bán cổ phần Sabeco lúc này là hoàn toàn đúng thời điểm và bán được giá rất tốt. Nếu Bộ Công Thương chỉ bán 49% số cổ phần của nhà nước thì sẽ không thu hút được các đối tác uy tín quan tâm, hoặc nếu có mua thì giá sẽ rẻ bằng một nửa.

Sau đợt bán vốn này, Bộ Công Thương vẫn còn là đại diện của 36% vốn điều lệ của nhà nước tại Sabeco. Ông Trương Thanh Hoài cho biết, việc bán tiếp số vốn này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nhận sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Theo kế hoạch thoái vốn nhà nước trong năm 2017 được Quốc hội nhất trí thông qua, Chính phủ phải thu về 60.000 tỷ đồng. Vừa qua, phiên họp Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho biết, cả nước đã thoái được hơn 25.000 tỷ đồng. Từ nay tới cuối năm, dự kiến nhà nước sẽ có thêm nguồn thu khoảng 10.000 tỷ đồng từ IPO của các Tổng công ty: Sông Đà, Becamex Bình Dương; từ thoái vốn Nhà nước của SCIC; bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các Tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương. Tuy nhiên, với việc bán vốn thành công trị giá 4,8 tỷ USD tại Sabeco vừa diễn ra, Chính phủ đã hoàn thành vượt kế hoạch thoái vốn trong năm 2017 và còn tạo ra được dư địa thoái vốn cho kế hoạch của năm 2018.

Hương Chung

Tin đọc nhiều