Cụ thể, bà Nga cho biết năm 2004 công ty ký hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội với giá thuê đất là 111 triệu đồng/năm. Theo quy định trong hợp đồng, giá tiền thuê đất phải được giữ ổn định trong 5 năm, từ năm 2004 đến năm 2009, nhưng trên thực tế, số tiền DN phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo thông báo nộp tiền thuê đất của Chi cục thuế quận Đống Đa, TP. Hà Nội lại tăng hàng năm.
Tiền thuê đất quá đột biến khiến DN rơi vào bị động |
Cứ như vậy đến năm 2009, tiền thuê đất của DN đã lên tới 294 triệu đồng/năm. Mức tăng này là 165% so với hợp đồng đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường. Sang năm 2010, tiền thuê đất của DN vọt lên mức 674 triệu đồng/năm.
Được biết đây là mức thuế DN phải nộp sau khi đã được hưởng hỗ trợ của UBND thành phố, nếu không số tiền này có thể còn cao hơn. Sau đó tiếp tục từ năm 2011 đến năm 2015, tiền thuê đất là 3,2 tỷ đồng/năm. “Tiền thuê đất tăng quá đột biến làm DN chúng tôi hoàn toàn bị động”, bà Nga bức xúc nói.
Theo bà Nga, trong nhiều năm liên tục, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung liên tục phải đối mặt với khủng hoảng, nhiều DN Việt Nam bị phá sản và thua lỗ. Giá điện, xăng dầu, các nguyên liệu hàng hóa… đều tăng, song giá sản phẩm, dịch vụ không thể điều chỉnh tăng tương ứng được vì sự cạnh tranh vô cùng gay gắt với các DN nước ngoài.
Cụ thể, mảng dịch vụ khách sạn, văn phòng cho thuê của CTCP Hacinco mới chỉ bắt đầu khởi sắc từ năm 2014 trở lại đây, nhưng lại vấp phải chuyện giá thuê đất lại liên tục tăng cao khiến công ty không có nguồn vốn để tái đầu tư, cơ sở vật chất xuống cấp, khó lại càng thêm khó.
Bà Nga than thở, DN gặp rất nhiều khó khăn, chỉ đủ để trả lương và nộp thuế, không còn tích lũy để tái đầu tư. Bà cũng đề xuất không nên để hiện tượng tăng đột biến giá thuê đất, và cần giữ ổn định trong thời gian dài.
Theo phân tích của một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, sở dĩ Nhà nước quy định mức thu tiền thuê đất cao như vậy là nhằm giảm tình trạng lãng phí trong sử dụng đất, đồng thời “đánh” vào các DN cố tình chạy dự án, xin đất về sau đó bỏ hoang, gây thất thoát nguồn lực. Tuy nhiên cách phạt theo kiểu “cào bằng” như vậy, dường như là không công bằng đối với DN làm ăn chân chính.
Không chỉ tăng với mức cao, tần suất tăng liên tục trong giai đoạn khó khăn như hiện nay cũng bị đánh giá là “điểm trừ” trong việc thực hiện chính sách đối với DN. Theo đó, tiền thuê đất sẽ tiếp tục là một gánh nặng về tài chính, và tiền sử dụng đất vẫn luôn là một ẩn số thực sự khó giải mà DN không thể tiên lượng được trước khi ra quyết định đầu tư vào dự án có sử dụng đất. Cuối cùng, chi phi phí tiền sử dụng đất cũng sẽ được tính vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua sản phẩm bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, không chỉ thay đổi liên tục về mức tính giá thuê đất, cách phân loại vị trí tính tiền thuê đất gần đây cũng thay đổi theo hướng bất lợi cho người sử dụng. Đơn cử như quy định phân cấp hẻm, năm 2014, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quy định vị trí đất trong hẻm theo 4 mức với giá tiền sử dụng đất giảm dần. Tuy nhiên theo cách tính của năm 2015, quy định này chỉ còn 3 mức. Như vậy dẫn đến trường hợp có những vị trí trong hẻm, nhất là các hẻm sâu sẽ phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn năm 2014.
Trước thực trạng này, các DN kiến nghị cần ổn định các chính sách về tiền thuê đất trong thời gian lâu dài để DN có cơ sở tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh. Về dài hạn, ông Châu đề xuất nên nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định. Như vậy vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin cho, hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn, mà vẫn duy trì được nguồn thu bền vững, lâu dài cho ngân sách Nhà nước.
Ngọc Khanh