TMĐT trên nền di động: Thách thức từ pháp lý

08:19 | 20/03/2015

Để quản lý lĩnh vực TMĐT này, cần sự phối hợp quản lý của nhiều cơ quan liên quan, trong đó cần xác định chủ thể giao dịch, quyền và nghĩa vụ các bên tham gia. Thiết kế chính sách trong TMĐT cần hướng tới bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Dữ liệu thu thập cho đến thời điểm này vẫn luôn cho thấy thương mại điện tử (TMĐT) là lĩnh vực rất có tiềm năng tại Việt Nam, thậm chí còn là một xu hướng khó cưỡng. Doanh số lên tới 2,97 tỷ USD với tăng trưởng 35%, quy mô hoạt động TMĐT hiện chiếm khoảng 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước.

tmdt tren nen di dong thach thuc tu phap ly

Trong khi đó, cơ sở mang tính chất nền tảng cho phát triển TMĐT là số người truy cập Internet qua điện thoại di động đang tăng lên nhanh chóng, từ 27% vào năm 2010 lên 65% năm 2014. Nó cho thấy triển vọng phát triển của ngành này là không giới hạn.

Đánh giá về điều này, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) cho rằng, TMĐT trên nền tảng di động là hướng phát triển tất yếu. Theo số liệu khảo sát của Cục này, các dịch vụ ngân hàng - thanh toán, nội dung số, ứng dụng, trò chơi, quảng cáo, mua sắm qua thiết bị di động… đang trở thành một trào lưu, một xu hướng phổ biến bởi tính thuận tiện, linh hoạt, dễ dàng kết nối. Song, pháp lý cho hoạt động này đang trở thành một thách thức trên thực tế.

Vấn đề quan trọng nhất được dư luận quan tâm là khi tham gia TMĐT, kể cả trên nền tảng di động liệu có đảm bảo an toàn hay không? Người sử dụng dịch vụ có tránh được rủi ro khi chưa có cơ chế để kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này? Uber bị “cấm cản” đi vào kinh doanh là vụ việc đình đám nhất có liên quan đến TMĐT trên nền tảng di động, làm dấy lên nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây.

Trên thực tế, sự xuất hiện hình thức vận tải thông qua nền tảng công nghệ như Uber và Grap taxi tại Việt Nam thời gian qua đã và đang gây tranh cãi về cơ sở pháp lý cũng như cạnh tranh bình đẳng. Dưới góc nhìn của mình về trường hợp của Uber, ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho rằng, vấn đề rủi ro và mất an toàn đối với người sử dụng dịch vụ là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là rào cản về thuế, cạnh tranh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xác định mô hình kinh doanh nào cho Uber.

Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và CNTT thì cho biết, để quản lý lĩnh vực TMĐT này, cần sự phối hợp quản lý của nhiều cơ quan liên quan, trong đó cần xác định chủ thể giao dịch, quyền và nghĩa vụ các bên tham gia.

Cụ thể với mô hình Uber là trung gian cung cấp môi trường điện tử cho các bên tham gia, DN này sẽ phải có trách nhiệm để đảm bảo tất cả các nhà cung cấp dịch vụ phải đáp ứng điều kiện pháp luật đặt ra với điều kiện loại hình dịch vụ đó, cụ thể là điều kiện kinh doanh vận tải. Ngoài ra còn có vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp với những giao dịch xuyên biên giới…

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, xu hướng phát triển của công nghệ là tất yếu và ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động sẽ mở rộng tiềm năng khách hàng. Vì vậy, các hãng taxi truyền thống và các DN cung cấp dịch vụ ứng dụng công nghệ như Uber cần có sự hợp tác để mang lại lợi ích cho người dùng và cả DN.

Đồng quan điểm, đại diện Phòng bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) cho rằng, thiết kế chính sách trong TMĐT cần hướng tới bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi lẽ, thời gian qua, đơn vị này đã nhận được nhiều phản ánh rằng, hàng hoá nhận được không đúng với quảng cáo trên trang mạng điện tử, nhiều khi nhận hàng hóa không đảm bảo chất lượng, thậm chí có người tiêu dùng còn nhận phải hàng giả, hàng nhái.

“Ở các nước phát triển, khi nhận hàng hóa, người tiêu dùng nếu không hài lòng với hàng hoá nhận được, hàng không giống như quảng cáo thì có thể trả lại trong vòng 10 ngày. Việc xây dựng chính sách quản lý TMĐT ở Việt Nam cũng cần đúc rút từ kinh nghiệm này để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn”, vị này nói.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cả TMĐT và TMĐT trên nền tảng di động đều đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý. Các nhóm giải pháp lớn thì trước hết là chính sách, khuôn khổ pháp lý, văn bản pháp quy, quy phạm pháp luật điều chỉnh nội dung lớn, liên quan công nghệ, tập quán thương mại quốc tế… Thứ hai là công nghệ, thiết bị... Cuối cùng là nhóm giải pháp liên quan đến quản lý, đảm bảo sự phát triển của TMĐT và lợi ích của các bên tham gia.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều