Tồn tại, hạn chế ở “đầu tàu dẫn dắt”

16:00 | 30/05/2018

Vừa qua, Quốc hội đã nghe báo cáo kế́t quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. Bên cạnh việc ghi nhận các kết quả mà các DN đạt được, đoàn giám sát đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại hạn chế cần khắc phục.

Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn của DN Nhà nước
“Sức khỏe” của DNNN sẽ được báo cáo trước Quốc hội
Ghế nóng và áp lực ở “siêu Ủy ban”

Thua lỗ kéo dài, tổng nợ phải trả cao

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trưởng đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh, hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011 - 2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%). Hiệu quả đầu tư của khối DNNN cũng đạt thấp so với DN ngoài nhà nước và DN FDI, hệ số ICOR của khối DNNN trong giai đoạn 2011-2016 cao hơn nhiều so với hai khu vực DN còn lại (năm 2016 cao gấp 1,58 lần so với DN ngoài nhà nước, 1,86 lần so với DN FDI). Tỷ suất lợi nhuận của toàn khối DNNN (100% vốn nhà nước) giảm trong giai đoạn 2011-2016, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) giảm 30%).

Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.

ton tai han che o dau tau dan dat
Hệ số ICOR của khu vực DNNN luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác

Hoạt động đầu tư ra ngoài DN còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại DN...

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) đã chỉ ra ba dạng làm thất thoát tài sản nhà nước. Đó là kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn; Mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn; Định giá DN thấp khi cổ phần hóa.

Theo ông, có 3 lý do dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất, trình độ quản lý của DN yếu kém dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Thứ hai, mang tính chủ quan hơn, vì động cơ cá nhân, những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp nhưng lại hưởng lợi từ đấy. Thứ ba, dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay xử lý vì quản lý yếu kém để DN thua lỗ. Thậm chí có DN khi cần báo cáo để tăng quỹ lương hoặc xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, còn khi báo cáo cho cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo tài chính của các DN như có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi.

Thanh tra, kiểm soát nhưng không phát hiện ra sai phạm

“Một điều kỳ lạ là chúng ta có cả một bộ máy về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhưng lại không phát hiện ra những vấn đề này. Rõ ràng ở đây về mặt chính sách, pháp luật, chúng ta phải xem đến lỗ hổng trong việc quy định trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của DN”, ông Cường đề nghị.

Tiếp tục đề cập đến tình trạng gọi là “biến hóa kỳ lạ”, vị đại biểu này cho biết, việc định giá, đấu thầu chỉ là hình thức, nếu có khảo sát kỹ, sẽ tìm ra điều kỳ lạ là giá định giá của cơ quan tư vấn thường rất sát với giá mang ra đấu giá tài sản. Nhưng thực tế những tổ chức định giá, đấu giá khi lập các dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai và đấu thầu xảy ra tình trạng như trên thì chưa có tổ chức nào bị xử lý. Tệ hại hơn, khi DNNN thua lỗ phải bán đấu giá tài sản, máy móc thiết bị thì đây lại là cơ hội làm ăn béo bở cho một số người kiểu “kền kền ăn xác chết”.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) thì cho rằng nguyên nhân gây ra những hạn chế, yếu kém thời gian qua ở khối DNNN, đó là việc chậm thực hiện và thực hiện không quyết liệt, triệt để chủ trương đúng đắn của Đảng về việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ. Nhiều bộ, ngành không muốn rời xa các DN vốn được coi như là sân sau của mình. Đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích, khi một số cơ quan quản lý nhà nước vừa đá bóng, vừa thổi còi, không thực hiện khách quan trong xây dựng chính sách, nhất là chính sách đối với môi trường hoạt động của DN nói chung.

Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình, lẽ ra DNNN phải đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, thế nhưng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN lại đang ở vị trí khóa đuôi. Hệ số ICOR của khu vực DNNN luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác. Ví dụ, năm 2016 các DNNN phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp gần 2 lần so với mức chỉ trên 5 đồng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cao gấp hơn 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Hơn nữa, mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản tại các DNNN không chỉ ở mức thấp, mà còn có xu hướng giảm liên tục theo thời gian, từ 16,4% và 6,5% năm 2012 xuống còn 10% và 4,6% năm 2016. NSNN cũng đã nhiều năm thất thu với thành phần kinh tế nhà nước, tốc độ tăng thu chỉ đạt mức trung bình 3%/năm trong giai đoạn 2011-2016.

Điểm rất cần lưu ý là xu hướng sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn tại các DNNN nêu trên lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tức là nó diễn ra ngược chiều với xu thế chung. Điều này cho thấy, những yếu kém của khu vực DNNN chủ yếu là vấn đề nội tại của khu vực này, chứ không phải do những tác động từ môi trường bên ngoài.

Ông cho rằng, nguyên nhân gốc rễ nằm ở vấn đề sở hữu và động lực phát triển của DN. Bởi vậy, nếu tỷ trọng sở hữu nhà nước tại các DN vẫn được duy trì ở mức cao áp đảo thì những nỗ lực cải cách khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của DNNN như hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bớt chồng chéo, tăng tính chủ động của DN, xác lập các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động DN, hay tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa và không thể đem lại những kết quả như mong muốn.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều