Tổng điều tra kinh tế: Doanh nghiệp FDI tăng nhanh, hút nhiều lao động

18:45 | 19/09/2018

Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2017, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 9% và lao động tăng 10,2%, cao gấp 2 lần so với doanh nghiệp Nhà nước.

Ngày 19/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp còn hoạt động, tăng 51,6% so với năm 2012. Số lượng doanh nghiệp có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước đạt 505.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp còn lại mới đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

tong dieu tra kinh te doanh nghiep fdi tang nhanh hut nhieu lao dong

Dù số lượng doanh nghiệp tăng nhưng chỉ có 10.100 doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%. Số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tới 98,1%. Doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở Đông Nam bộ với gần 216.000 doanh nghiệp, chiếm 41,7%, trong đó dẫn đầu là TP.HCM.

Cũng theo kết quả Tổng điều tra, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm 18,4% và lao động trong các doanh nghiệp này giảm tới 23,1% so với thời điểm 1/1/2012; bình quân mỗi năm giảm 4% về số doanh nghiệp và 5,1% về số lao động. Điều này, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, cho thấy chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước đã có tiến triển, nhưng quá trình thực hiện còn khá chậm.

Đáng chú ý, kết quả Tổng điều tra kinh tế cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2017, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 9% và lao động tăng 10,2%, cao gấp 2 lần so với doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, tại thời điểm điều tra (1/1/2017), số doanh nghiệp FDI tăng tới 54% và lao động tăng tới 62,8% so với thời điểm 1/1/2012.

Về tham gia hội nhập quốc tế, từ kết quả điều tra mẫu 3.500 doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo (là ngành có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế) cho thấy, doanh nghiệp Việt đã phần nào sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế.

Theo kênh thông tin nhận biết, có tới 86,9% doanh nghiệp biết đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua kênh truyền thông, 16,3% qua các hiệp hội, 15,1% qua cơ quan quản lý nhà nước, 10,8% qua đối tác kinh doanh, còn lại là 8,8% qua các kênh thông tin khác.

“Đặc biệt, có tới 83,9% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia các FTA quốc tế; 2,9% doanh nghiệp cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được; 12,6% doanh nghiệp không có ý kiến, chỉ có 0,6% doanh nghiệp hoàn toàn phản đối”, ông Nguyễn Bích Lâm thông tin.

Bên cạnh đó, theo đại diện Tổng cục Thống kê, các FTA cũng đã có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, 81,1% số doanh nghiệp đánh giá có bị ảnh hưởng bởi FTA với cộng đồng kinh tế ASEAN, con số này với FTA Việt Nam - Nhật Bản là 69,1%, FTA Việt Nam - Hàn Quốc là 62,4%; FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu là 61%, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu là 57,6% và các hiệp định khác là 5,6%.

Đánh giá về ảnh hưởng có lợi khi quan hệ với các đối tác nước ngoài, có 42,1% doanh nghiệp lạc quan với đối tác khu vực Đông Á - Thái Bình Dương; 42,0% lạc quan với đối tác Mỹ; 35% lạc quan với đối tác Đông Nam Á và châu Âu; 23,6% lạc quan với đối tác Trung Quốc và 20,7% lạc quan với đối tác châu Mỹ Latin.

Khi đề cập đến những mong muốn của doanh nghiệp từ Chính phủ/các cơ quan Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi Việt Nam thực hiện các FTA, có tới 84,6% mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, 69,4% mong muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định; 55,3% muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài; 48,9% muốn có thông tin về thị trường trong nước.

Thái Hoàng

Tin đọc nhiều