TP. Hồ Chí Minh: Mạnh tay với chung cư hư hỏng nặng

14:53 | 22/06/2015

Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, tính lũy kế đến hết năm 2015, toàn thành phố tháo dỡ hơn 262.000m2 của 46 chung cư cũ, di dời 5.756 hộ dân, xây dựng mới được 482.218 m2 . 

tp ho chi minh manh tay voi chung cu hu hong nang
Ảnh minh họa

Trong đó, xây dựng mới tại chung cư cũ hơn 280.000m2 , xây dựng tại vị trí khác để bố trí tái định cư hơn 202.000m2. Dự kiến, trong giai đoạn 2016 đến 2020, thành phố sẽ cơ bản xây dựng mới thay thế các chung cư cũ đã được kiểm định đánh giá công trình đang trong tình trạng nguy hiểm tổng thể (cấp D) theo quy định. Đồng thời, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội kết hợp chỉnh trang đô thị nhằm tạo ra các khu nhà mới có chất lượng tốt hơn.

Trong giai đoạn này, kế hoạch đặt ra là thành phố sẽ “mạnh tay” tháo dỡ 120.000m2 sàn chung cư cũ hư hỏng nặng, xây mới 180.000m2 sàn xây dựng thay thế các chung cư cũ nhằm đảm bảo mỹ quan thành phố, và quan trọng hơn là an toàn tính mạng người dân.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, quá trình cải tạo, sửa chữa, thay thế chung cư cũ xuống cấp đáng ra phải diễn ra nhanh chóng và hoàn thiện hơn, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường BĐS “trầm lắng” nên việc huy động vốn để xây mới gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, đối với công tác giải phóng mặt bằng, thỏa thuận bồi thường với các hộ dân sống trong chung cư còn gặp một số vướng mắc nên ảnh hưởng đến tiến độ di dời, giải tỏa.

“Hiện trạng pháp lý về sở hữu nhà ở của các hộ dân sống trong những chung cư cũ khá phức tạp, có nhà sở hữu tư nhân, nhà thuộc sở hữu nhà nước chưa hóa giá, nhà lấn chiếm... trong khi các quy định pháp luật chưa cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường, kéo dài thời gian thực hiện dự án” – ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng phát triển Nhà và Thị trường BĐS, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Song thực tế, “điểm nghẽn” khiến nhà chung cư hư hỏng nặng vẫn tồn tại nhiều năm không chỉ nằm ở quy định pháp lý hay chủ trương chính sách, mà quan trọng hơn là quyền lợi của người dân cũng như chủ đầu tư tham gia xây dựng, cải tạo chung cư cũ chưa được giải quyết phù hợp.

Cụ thể, lý do chính khiến không ít hộ dân thậm chí bất chấp tính mạng, bám trụ tại các chung cư xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào là do mức đền bù chưa thỏa đáng, đánh đồng vị trí, diện tích hoặc bố trí tái định cư quá xa nơi ở cũ, không thuận tiện, đảm bảo cho cuộc sống mưu sinh...

Còn đối với các chủ đầu tư, ngoài một số DN có vốn nhà nước tham gia, thì rất ít DN kinh doanh BĐS mạnh dạn “nhảy” vào vì cho rằng, bỏ tiền ra đầu tư vào các công trình này không mang lại hiệu quả kinh tế. Lý do vướng nhiều quy định ràng buộc về hệ số sử dụng đất, chiều cao, diện tích... trong khi công tác đền bù, giải tỏa thường dây dưa, kéo dài.

Trước vấn đề này, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đề xuất, đối với các chung cư có mức độ nguy hiểm cấp D phải di dời khẩn cấp và tháo dỡ công trình nên thực hiện phương thức tái định cư tại chỗ chứ không bồi hoàn bằng tiền như các dự án thương mại bình thường. Trong thời gian tạm cư, các hộ dân vẫn được bán căn hộ hình thành trong tương lai nếu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ.

Ngoài ra, đối với trường hợp nhà đầu tư có quỹ nhà tái định cư tại địa bàn chung cư cũ, đảm bảo số lượng để bố trí tạm cư cho các hộ gia đình trong thời gian chờ xây dựng công trình mới để tái định cư tại chỗ, sẽ được lựa chọn làm chủ đầu tư. Còn nếu nhà đầu tư không có quỹ nhà phù hợp, UBND cấp tỉnh, thành phố phải lo quỹ nhà tạm cư thì tiến hành thực hiện mời gọi, đấu thầu theo quy định. Và các chi phí đã bồi thường, hỗ trợ di dời, tạm cư, nhà đầu tư được chọn sẽ phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước...

Với những kiến nghị, đề xuất sát thực hơn với tình hình thực tế của một số sở ngành, dự kiến trong thời gian tới vấn đề chung cư cũ ở TP. HCM sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và triệt để, trả lại bộ mặt mỹ quan cho thành phố và cuộc sống ổn định cho hàng nghìn hộ dân hiện vẫn còn đang sinh sống trong các chung cư hư hỏng cần phải di dời.

UBND TP. HCM đã chấp thuận cho UBND Quận 1 thực hiện việc di dời khẩn cấp 300 hộ dân sống trong chung cư Cô Giang (đường Cô Bắc, P. Cô Giang, Q1, TP. HCM) được xây dựng từ năm 1968. Chung cư này có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, vì vậy phải di dời khẩn cấp để sớm bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, thành phố cũng giao Sở Xây dựng gấp rút tháo dỡ lô D của chung cư để xây trước một dãy nhà nhằm tái định cư tại chỗ cho các hộ bị di dời, trước ngày 30/6.

PV

Tin đọc nhiều