TP.HCM: Phát triển công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ | |
Nan giải lực hút vốn nông nghiệp công nghệ cao |
Tiềm năng phát triển du lịch cao
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM, ngày nay du khách đến với TP. HCM không chỉ tham quan những công trình kiến trúc hoặc tìm hiểu về giá trị văn hóa lịch sử, mà còn muốn trải nghiệm, tận tay tham gia vào những hoạt động gắn với đời sống nông nghiệp, nông thôn.
Đây cũng là mong muốn của các nhà vườn, các khu nông nghiệp tại thành phố. Với diện tích 2.096 km2, TP. HCM có 19 quận và chỉ có 5 huyện, nhưng các huyện này lại chiếm hơn 3/4 diện tích của thành phố và chủ yếu hoạt động nông nghiệp. Do vậy, thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Việc khai thác tiềm năng sẵn có là nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch là định hướng phát triển du lịch nông nghiệp của lãnh đạo TP. HCM. Các vùng ngoại thành TP. HCM như quận 9, Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… có rất nhiều lợi thế để phát triển các mô hình và sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp.
Chẳng hạn như quận 9 có điểm nhấn độc đáo là cảnh quan sông nước hữu tình; huyện Củ Chi với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái; huyện Cần Giờ là du lịch sinh thái… Đây là những sản phẩm du lịch đặc trưng, làm phong phú sản phẩm và điểm đến của du lịch thành phố.
Trong 9 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh đã đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, tạo ngân sách 84.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Theo ngành du lịch, du khách đến TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu trải nghiệm nông nghiệp nông thôn khá lớn.
Thực tế, mô hình du lịch nông nghiệp đã tạo sức hấp dẫn lớn cho du khách. Nhiều người trẻ và người dân thành phố cũng thích thú với các tour một ngày làm nông dân… Tuy nhiên, đó chỉ là sự tự phát của các đơn vị, tự hình thành mà chưa có sự liên kết, thiếu thiết chế, truyền thông và maketting.
Phải gắn với hỗ trợ nông nghiệp
Khu nông nghiệp công nghiệp cao của thành phố bắt đầu khai thác hạ tầng kỹ thuật để phục vụ nghiên cứu, sản xuất và tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu sản xuất từ năm 2014. Từ hoạt động trải nghiệm này, nhu cầu du lịch hình thành. Theo thống kê, trong 3 năm qua, khách du lịch đến đây tăng lên 200% (từ 7.000 lượt năm 2014 lên gần 15.000 lượt năm 2017), trong đó 80% là học sinh, sinh viên. Bà Trần Thị Kim Hằng, Phó giám đốc trung tâm Phát triển hạ tầng, Khu nông nghiệp công nghệ cao cho biết, du lịch không phải là định hướng ban đầu, nhưng lượng khách đổ về ngày càng lớn cho thấy nhu cầu tăng rõ rệt.
Hoạt động du lịch tại Khu nông nghiệp công nghệ cao hình thành do phát sinh từ thực tế, nên việc chủ động đầu tư cho sản phẩm chưa đa dạng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa chuyên nghiệp. Và hiện cũng chưa có hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành và kết nối với các hoạt động liên quan tại địa phương...
Trung tâm Phát triển hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao đang duy trì hai nhóm sản phẩm chính là tham quan và hoạt động hướng nghiệp. Các mô hình cụ thể như tìm hiểu kỹ thuật rồi thực hành nuôi cấy mô hoa lan, trồng và chăm sóc cây không dùng đất, nấm bào ngư… thu hút nhiều du khách. Tuy nhiên, trung tâm vẫn đang phát triển theo hướng nhu cầu tới đâu thì đáp ứng tới đó, chứ chưa có định hướng cụ thể.
Tương tự, Nông trang Xanh Green Noen ở huyện Củ Chi, hàng năm cũng tiếp đón vài nghìn lượt học sinh, sinh viên và các du khách đến tham quan, học nghề cũng như tìm hiểu chuyên sâu về các sản phẩm đặc trưng nông nghiệp đô thị. “Việc kết hợp trải nghiệm nông nghiệp với giải trí, giáo dục thực ra cũng phát triển từ mục tiêu cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường cũng như tạo dựng cảnh quan” - bà Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc Green Noen cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển du lịch - Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, cần liên kết các DN lữ hành, nâng cao năng lực đội ngũ tác nghiệp, hướng dẫn viên đảm bảo đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về du lịch nông nghiệp của du khách.
Để phát triển sản phẩm này bài bản hơn, ngày 5/10, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố, Trung tâm khai thác hạ tầng (BQL khu nông nghiệp công nghệ cao) và Nông trại Hoa Lúa (Củ Chi) đã ký kết các kế hoạch liên tịch nhằm định hướng và cụ thể hóa các nội dung triển khai về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch này trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM: “Để phát triển sản phẩm du lịch này, các đơn vị cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao tới các tỉnh thành, du khách quốc tế; tập huấn hướng dẫn cho các nhà vườn các kỹ năng làm du lịch nông nghiệp; đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao vào các tour của các công ty lữ hành”. |
Minh Lâm