TP.HCM: Để tận dụng hiệu quả thương mại điện tử

16:45 | 10/01/2018

Theo nhận định của Sở Công thương TP.HCM, thị trường thương mại điện tử hiện nay tiếp tục được mở rộng, với nhiều mô hình mới mẻ. 

Bán lẻ online: Xu hướng thời công nghệ
Bốn xu hướng của thương mại điện tử

DN thương mại điện tử thành phố nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới của thế giới nên đã và đang đầu tư cho website thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp. Thậm chí, các DN đã hướng vào xây dựng phiên bản website dùng trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng... phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng.

tphcm de tan dung hieu qua thuong mai dien tu
Các DN đã hướng vào xây dựng phiên bản website dùng trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng

Theo ước tính của UBND TP.HCM, doanh thu thương mại điện tử năm 2017 tăng trưởng khoảng 20% và có quy mô chiếm 40% thị trường thương mại điện tử cả nước; doanh thu thương mại điện tử TP.HCM năm 2017 ước đạt 53.870,4 tỷ đồng, chiếm 5,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

Như vậy về tổng thể, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tiếp tục mở rộng về quy mô, phù hợp với xu hướng phát triển mô hình phân phối đa kênh (Omni channel) - kết hợp giữa thương mại trực tuyến với thương mại truyền thống.

Hiện tại, tăng trưởng bán hàng trực tuyến của các sản phẩm tiêu dùng nhanh đang vượt trội hơn doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ và dự đoán, doanh số bán hàng trực tuyến của các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh sẽ vượt qua doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ trong vòng 5 năm tới.

Các chuyên gia kinh tế của TP.HCM cũng nhận định, kết quả hoạt động năm 2017 tuy khá hơn năm 2016 nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn. Sau khi làm việc trực tiếp với nhóm website thương mại điện tử hàng đầu hiện nay (Thegioididong, Tiki, Sendo, Lazada, Adayroi, Hotdeal...), Sở Công thương TP.HCM đánh giá, hầu hết DN thương mại điện tử dẫn đầu (trừ Thế giới di động) đều đang gặp khó khăn về tài chính sau thời gian dài đầu tư cho quảng cáo, truyền thông trực tuyến, buộc phải “tái cấu trúc” DN theo hướng thu gọn phạm vi hoạt động, tập trung nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho rằng, tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất khả quan vì giao dịch thương mại điện tử nói chung, giao dịch trên thiết bị di động nói riêng (mobile commerce) ngày càng phổ biến; việc thanh toán trực tuyến cũng đơn giản, tiện dụng hơn.

Hiện thị trường đang tự điều tiết sau chu kỳ tăng trưởng nóng giai đoạn 2013-2015 và người tiêu dùng trực tuyến trở nên thông thái hơn, họ có kỹ năng, kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm và người bán uy tín. Trước bối cảnh đó, DN đề xuất thành phố cần có thêm nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm thúc đẩy thị trường nhanh chóng hồi phục, phát triển.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở đã triển khai thực hiện điều tra tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn thành phố với khoảng 23.000 DN, 2.500 hộ gia đình và 300 cơ sở phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố; Tập trung tuyên truyền về thương mại điện tử, tập trung vào việc định hướng phát triển thị trường thương mại điện tử trong nước và thúc đẩy các DN xuất nhập khẩu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các công cụ trực tuyến.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cũng đề xuất UBND TP.HCM cho áp dụng những giải pháp ứng dụng thương mại điện tử tiên tiến, hữu dụng với số đông DNNVV; Truyền thông những kỹ năng giúp người tiêu dùng giao dịch thương mại điện tử an toàn hơn như cách kiểm tra website thương mại điện tử hợp pháp, cách báo tin trực tuyến cho cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho họ…;

Triển khai các giải pháp “dẫn dắt thị trường” như tổ chức bình chọn DN ứng dụng thương mại điện tử tiêu biểu để vừa khuyến khích phong trào thi đua của DN, tổ chức các chương trình khuyến mại trực tuyến uy tín để định hướng thị trường, có thể tổ chức nhiều kỳ theo các chủ đề khác nhau.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều