TP.HCM: Phát triển công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ

09:04 | 05/10/2017

Lãnh đạo thành phố đặt ra yêu cầu phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao tại các KCX – KCN của TP.HCM.

Đẩy mạnh mô hình khu công nghệ cao
Công nghiệp phụ trợ: Khó vào chuỗi cung ứng

Thách thức đối với KCX – KCN TP.HCM

Nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Nguyễn Văn Kích nhận định: hiện nay Ban quản lý KCX – KCN TP.HCM chỉ thực thi quyền quản lý nhà nước theo cơ chế “phối hợp”. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra trong thực thi hiệu lực quản lý nhà nước đối với KCN -KCX, Ban quản lý chưa được chủ trì mà mới chỉ được phối hợp nên còn bị động, lúng túng, thiếu tính chủ động trong điều hành.

tphcm phat trien cong nghe cao va cong nghiep phu tro
Công nhân đang lắp ráp linh kiện điện tử

Hiện cơ chế cải cách hành chính “một cửa tại chỗ” tại KCN - KCX để thuận lợi cho thu hút đầu tư chưa được phát huy đầy đủ. Ưu đãi đầu tư cho các KCN đã được quan tâm nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Các mô hình KCN - KCX đang được hưởng một số ưu đãi đầu tư (thuê TNDN, thuế nhập khẩu, tín dụng, đất đai...). Tuy nhiên, các ưu đãi này chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư và thiếu hẳn tính cạnh tranh quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban Quản lý KCX, KCN TP.HCM, hiện nay tại các KCX – KCN đa số các dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít. Từ năm 2004 đến nay, các KCX - KCN đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng trí thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của thành phố.

KCN không quy hoạch đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội. Các hạ tầng ngoài hàng rào KCX, KCN chưa được quy hoạch và xây dựng đồng bộ với quy hoạch và xây dựng KCX, KCN.

Hơn thế, các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các DN trong KCN để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng chưa phát triển. Bên cạnh đó, mô hình quản lý theo cơ chế một cửa, tại chỗ đến nay phát sinh nhiều bất cập, do KCX, KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật; do đó, việc ủy quyền cho Ban quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành về lao động, thương mại, xây dựng, môi trường đối… chưa triệt để, thống nhất.

Xây dựng 3 mô hình KCN xanh sạch và công nghệ cao

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Viện Kinh tế và Phát triển TP.HCM cho rằng, để các cụm ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả, cần thực hiện các giải pháp kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất đầu cuối với doanh nghiệp phụ trợ. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối của TP. HCM chủ yếu là FDI nên có giải pháp kết nối DN FDI với DN sản xuất hỗ trợ.

Bên cạnh đó xây dựng các KCN chuyên ngành công nghệ hỗ trợ bằng cách cần rà soát quy hoạch lại các KCN, Khu Công nghệ cao hướng phát triển các cụm liên kết ngành cho các ngành công nghiệp trọng yếu và phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng tại các KCN - KCX.

Về lâu dài, để phát huy hơn nữa vai trò của KCX, KCN trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Năng đề xuất 3 mô hình KCN cho TP.HCM. Mô hình KCN gắn với đô thị sẽ giải quyết được tồn tại về thiếu các hạ tầng xã hội và dịch vụ phục vụ công nghiệp, Khu đô thị liền kề KCN sẽ phát triển đồng bộ các hạ tầng xã hội phục vụ người lao động và dịch vụ phục vụ sản xuất như: nhà ở, siêu thị, nhà trẻ, giáo dục, trung tâm văn hóa thể thao, cảng biển, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic…

Mô hình KCN gắn với cảng biển trong định hướng phát triển thành phố về hướng Nam, tiến ra biển Đông, thành phố chủ trương xây dựng mô hình đô thị cảng - công nghiệp, đây được xem là khâu đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực phía Nam.

Mô hình KCN chuyên ngành với ưu điểm của mô hình này là đầu tư cơ sở hạ tầng tập trung vào những ngành cần thu hút, đáp ứng yêu câu chuyên sâu về hạ tầng, giảm chi phí đầu tư; Tập trung nhiều dự án cùng ngành nghề, tạo được chuỗi cung ứng và liên kết, sản xuất chuyên môn hóa cao, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp; đồng thời, dễ dàng cung ứng các dịch vụ chuyên sâu cho doanh nghiệp như đào tạo, logistics, kiểm định, xử lý ô nhiễm.

Từ góc nhìn một nhà đầu tư, ông Atsuo Hanami, Tổng giám đốc công ty TNHH thiết kế Renesas Việt Nam cho rằng TP.HCM cần cải thiện chính sách giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng tốc độ mạng internet, cải thiện chính sách và quy trình xin thị thực và cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ.

“Số lượng kỹ sư mới ra trường đáp ứng yêu cầu tuyển dụng vẫn thiếu hụt so với nhu cầu của các công ty. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng sinh viên các ngành khoa học máy tính, toán học, tự động hóa và điện tử. Các sinh viên ra trường cần rèn luyện kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng mềm để tham gia thị trường lao động mà không cần đào tạo nhiều tự người sử dụng lao động, ông Atsuo Hanami chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, nhiệm vụ trọng tâm của các KCX - KCN thành phố từ nay đến năm 2025 là chuyển dần các KCX - KCN hiện hữu thành KCN xanh, sạch và KCN ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao.

Để làm được định hướng trên, TP.HCM ưu tiên thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của CMCN 4.0. và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp để tạo các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Giai đoạn 2016 - 2025, phấn đấu thu hút đầu tư đạt từ 6 - 8 tỷ USD.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều