Cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN:

Trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về người đứng đầu

11:24 | 14/04/2017

Chính phủ cần xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.

Mạnh tay với cổ phần hóa
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN
Nhiều nỗ lực trong cổ phần hoá

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2011 - 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu DNNN theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015 và xây dựng kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã CPH được 508 DN với tổng giá trị thực tế DN là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 188.274 tỷ đồng.

Năm 2016 đã có 56 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị thực tế là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 24.390 tỷ đồng. Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 56 đơn vị là 24.379 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho NĐT chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.374 tỷ đồng.

trach nhiem lon nhat phai thuoc ve nguoi dung dau
Ảnh minh họa

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có 7 DN được cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị thực tế là 1.855 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 379 tỷ đồng.

Trong năm 2016, các đơn vị đã thoái được 5.149 tỷ đồng, thu về 18.832 tỷ đồng, bao gồm: thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng. SCIC cũng đã bán vốn tại 67 DN với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Văn Hiền, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, quá trình sắp xếp, CPH, tái cơ cấu thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Tiến độ sắp xếp, CPH đã được đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số bộ, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra. Tỷ lệ vốn Nhà nước ở các CTCP còn cao, số lượng DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi CPH còn lớn nên làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của NĐT…

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa phát huy hết vai trò nòng cốt của DNNN trong khu vực kinh tế Nhà nước, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Một số DNNN, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK của các DN sau khi CPH chưa được triển khai nghiêm túc, còn nhiều DN chưa thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định.

Trong khi đó, nhiều DN sau khi sắp xếp lại, CPH, chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh; Chưa tách bạch được rõ chức năng quản lý Nhà nước của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương với nhiệm vụ thực hiện quyền chủ sở hữu về vốn ở DNNN.

Để đẩy mạnh CPH, tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính cho rằng, các đơn vị phải xác định sắp xếp, đổi mới, CPH DNNN là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của mỗi cấp, ngành, địa phương và DNNN; ban hành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng phải xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cần xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN. Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trần Hương

Tin đọc nhiều