Trái ngọt từ thu dịch vụ

09:07 | 02/12/2016

Các NH quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại tạo nền tảng phát triển các dịch vụ đa tiện ích

Sacombank ra mắt gói tài khoản VIP dành cho khách hàng cá nhân
SHB ra mắt gói tài khoản cao cấp, ưu đãi lãi suất
LienVietPostBank: Ra mắt dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng qua số tài khoản

Qua báo cáo tài chính 9 tháng của các NH, lãi thu từ dịch vụ của nhiều NH tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ LienVietPostBank đạt hơn 78,896 tỷ đồng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái; tại VIB, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ NH này đạt 167 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước…

Tại OCB, lãnh đạo NH cho biết, cơ cấu thu từ dịch vụ NH chiếm 13% trong khi trước kia chỉ chiếm khoảng 4%. Tại SCB, tỷ trọng thu từ tín dụng tăng gấp đôi so với năm trước… CEO một NH chia sẻ lý do “trái ngọt” thu từ dịch vụ của NH tăng là nhờ công “vun đắp”, đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ thẻ, Internet Banking, Mobile Banking… trong mấy năm qua của NH.

“Gần như tất cả các NH đang đầu tư rất tốt công nghệ dịch vụ. Đây là một xu hướng để đảm bảo sức cạnh tranh của NH. Đó cũng là lý do thu lãi dịch vụ của các NH tăng lên khá nhanh”, vị này cho biết thêm.

trai ngot tu thu dich vu
Các NH quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại tạo nền tảng phát triển các dịch vụ đa tiện ích

Trên thế giới thu từ dịch vụ rất quan trọng đối với các NH. Đối với một NH tốt trên thế giới nói chung thu phí dịch vụ phải đạt trọng số lớn từ trên 50% trong tổng doanh thu NH. Mặc dù vẫn có rủi ro về chất lượng dịch vụ như có thể xảy ra hack tài khoản, rút trộm tiền… nhưng về mặt nguồn thu NH không bị rủi ro hoạt động, mất vốn như khi cho vay.

Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, các NH rất quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại tạo nền tảng phát triển các dịch vụ đa tiện ích. Nhưng đầu tư dịch vụ không chỉ cần có tiềm lực vốn, mà đòi hỏi một quá trình lâu dài chứ không thể thu ngay “chiến lợi phẩm” như hoạt động tín dụng cho vay vốn ra là thu được lãi ngay.

Việc NH đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ cũng sẽ khiến cuộc cạnh tranh trên mảnh đất này ngày càng gay gắt. Để giữ vững được thị phần, bản thân các NH phải đa dạng hoá dịch vụ cung cấp cho khách hàng, không chỉ dừng lại ở các dịch vụ truyền thống như chuyển tiền, dịch vụ thanh toán... mà cần phải phát triển mạnh các dịch vụ tiện ích có giá trị gia tăng cho khách hàng.

Có hai hướng đi mà các NH có thể tham khảo: đó là tự xây dựng phát triển riêng cho mình hoặc là phát triển dịch vụ trên cơ sở liên kết đối tác khác. Cùng với đó vấn đề đào tạo nhân viên kinh doanh cần được khắc phục. Đây cũng là yếu tố làm hạn chế phát triển tăng thu từ dịch vụ, bởi nhiều nhân viên kinh doanh NH hiện nay chỉ biết bán sản phẩm truyền thống.

Một cái khó cho các NH muốn đẩy mạnh phát triển các dịch vụ đó là cầu người tiêu dùng còn thấp. Hiện tại tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ của NH mới khoảng 20-30%. Thu nhập của người dân còn thấp là một trong những lý do tác động tỷ lệ người sử dụng dịch vụ NH.

Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, quan trọng nhất là nền tảng công nghệ thông tin. Khi có điểm tựa vững chắc này các NH có thể khai thác được các sản phẩm dịch vụ tối ưu nhất để tăng lợi ích cho khách hàng cũng như NH. Giả sử, khi có nền tảng tốt NH có thể liên kết các nhà cung ứng thanh toán thương mại điện tử, liên kết công ty bảo hiểm, bán chéo sản phẩm… mang lại nhiều phí dịch vụ cho NH. Tuy nhiên, để thu được đủ chi phí đầu tư, theo ông Văn phải mất khoảng 3 – 5 năm, và còn tùy thuộc NH có phát huy hiệu quả các sản phẩm dịch vụ ra sao.

Một NH phát triển tốt, ổn định, theo tính toán của các chuyên gia lãi từ dịch vụ phải chiếm khoảng 30 – 50% tổng doanh thu NH. Hiện tại, ở Việt Nam dù tỷ lệ này đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp và chưa đồng đều do sức khỏe tài chính của các NH còn chênh lệch.

Nhưng, theo vị chuyên gia này, đây là xu hướng chung trên thế giới, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn thị trường tài chính thế giới, thì tỷ lệ thu từ dịch vụ cần phải tăng lên, có thể lên mức 50% vào năm 2020. Để có được kết quả này, cần có bước đột phá chính sách, nhất là tuyên truyền của Chính phủ.

Ngay tại Mỹ, Chính phủ nước này có riêng chương trình giáo dục tài chính cho người dân làm sao sử dụng đồng tiền một cách thông minh nhất, hay nói cách khác là nắm bắt được những vấn đề cơ bản nhất khi sử dụng dịch vụ tài chính NH như làm sao bảo mật tài khoản; vay NH nào cho phù hợp; cách tính lãi suất ra sao…

“Với nền kinh tế phát triển trên thế giới còn có phổ cập giáo dục cho cộng đồng về dịch vụ tài chính, trong khi đó tại Việt Nam vẫn chưa có những chương trình tương tự để giúp người dân hiểu biết hơn về sử dụng dịch vụ NH có lợi thế nào, sử dụng tiền mặt bất lợi ra...”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh đến sự cần thiết có chương trình phổ cập tài chính trên diện rộng tại Việt Nam.

Nguyễn Vũ

Tin đọc nhiều