Triển khai ngân hàng hợp kênh: Mở rộng đồng bộ kênh giao dịch

11:28 | 17/10/2018

Khắc phục hạn chế của ngân hàng đa kênh, ngân hàng hợp kênh (Omni-Channel Banking) giúp khách hàng có trải nghiệm đồng bộ và liền mạch trên mọi kênh giao dịch.

trien khai ngan hang hop kenh mo rong dong bo kenh giao dich

Mô hình này hiện được áp dụng tại hầu hết ngân hàng thương mại ở Việt Nam là Ngân hàng đa kênh, hiểu đơn giản là các kênh giao dịch mà mọi người đang thực hiện hàng ngày như: Internet Banking, Mobile Banking, quầy giao dịch, ATM…

Mỗi ngân hàng khi đầu tư công nghệ phần mềm lõi (core banking) - được coi như là một bộ não của Ngân hàng. Core banking chính là một hệ thống các phân hệ nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng như tiền gửi, tiền vay, khách hàng... Thông qua đó, ngân hàng phát triển thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm và quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn. Về bản chất đây là hệ thống phần mềm tích hợp các ứng dụng tin học trong quản lý thông tin, tài sản, giao dịch, quản trị rủi ro… trong hệ thống ngân hàng.

Việc đầu tư cho hệ thống Core banking của mỗi ngân hàng khác nhau, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: quy mô của ngân hàng, lượng điểm giao dịch, lượng khách hàng, các dịch vụ trọng điểm mà ngân hàng đó muốn hướng tới khách hàng tương lai…

Nói tóm lại khi đầu tư vào Core banking các ngân hàng chỉ chú trọng vào nhu cầu hệ thống của họ. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mạnh ai nấy làm. Các yếu tố kết nối hệ thống cũng được các ngân hàng chú trọng đến như kết nối với hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Cục Công nghệ tin học (NHNN) để báo cáo cập nhật số liệu, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước và thanh toán bù trừ, kết nối với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS)…

Tuy nhiên, việc đầu tư đơn lẻ từng hệ thống Core Banking của từng ngân hàng sẽ tạo nên hạn chế trong việc triển khai các kênh giao dịch mang tính mở cho toàn bộ hệ thống nó sẽ dẫn tới tình trạng thiếu sự đồng bộ, kết nối giữa các hệ thống ngân hàng khác nhau. Do đó, về phía ngân hàng sẽ chỉ có thể triển khai tốt các giao dịch đa kênh với hệ thống của họ, còn với khách hàng khó có thể thực hiện các giao dịch liền mạch ở nhiều kênh nằm ngoài hệ thống của ngân hàng mà họ chọn dịch vụ giao dịch.

Bên cạnh đó, khi một ngân hàng thương mại có nhu cầu tích hợp sản phẩm hay ra mắt một tiện ích sẽ chiếm khá nhiều thời gian do phải phát triển độc lập cho từng kênh giao dịch. Điều này sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh từ ngân hàng và chung của cả hệ thống, hệ lụy là chưa tối ưu hóa được quyền lợi mà các ngân hàng mang lại cho khách hàng.

Khác với ngân hàng đa kênh giao dịch, ngân hàng hợp kênh được xem là hệ sinh thái đa kết nối, liền mạch trên mọi giao dịch và tương tác với khách hàng.

Nền tảng hoạt động khác nhau là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khác biệt của 2 loại hình ngân hàng này.

Áp dụng phương thức giao dịch mới, hiện đại được xem là giải pháp cần thiết cho nhóm ngân hàng đa kênh, nhất là trong bối cảnh khách hàng đang tương tác dưới nhiều phương thức khác nhau như hiện nay.

Khắc phục hạn chế của ngân hàng đa kênh, ngân hàng hợp kênh (Omni-Channel Banking) giúp khách hàng có trải nghiệm đồng bộ và liền mạch trên mọi kênh giao dịch: Internet Banking, Mobile Banking, ATM, quầy giao dịch hay tư vấn viên. Với hình thức này, người dùng sẽ dễ dàng hoàn tất giao dịch đang thực hiện dù ở bất kỳ nền tảng nào. Bất cứ công cụ nào và bất cứ điểm giao dịch của bất cứ hệ thống ngân hàng nào.

Bên cạnh đó, mô hình này còn có thể mở rộng sang nhiều giao thức kết nối khác như mạng xã hội và đối tác liên kết. Điều này sẽ giúp người dùng thuận tiện hơn trong quá trình mua sắm, giải trí trực tuyến như đặt vé xem phim hay nhận voucher giảm giá…

Sản phẩm được tích hợp một lần cho tất cả kênh giao dịch nhờ sự đồng bộ hóa. Nhờ đó, trải nghiệm khách hàng luôn được xuyên suốt và liền mạch. Giờ đây, người dùng không còn phải bận tâm về lựa chọn kênh giao dịch, vì mọi hình thức đều mang lại trải nghiệm như nhau.

Khách hàng có thể thực hiện một thao tác chuyển tiền trên điện thoại, sau đó muốn tiếp tục thực hiện tiếp trên máy tính hoặc trực tiếp tại quầy thì những giao dịch dang dở vẫn được bảo lưu. Bạn có thể tiếp tục hoàn thành tiếp các giao dịch của mình mà không phải nhập lại từ đầu.

Ngoài ra, mô hình này còn có thể mở rộng sang nhiều giao thức kết nối khác mà không chỉ bó buộc trong phạm vi ngân hàng như các nền tảng mạng xã hội, đối tác liên kết… Người dùng có thể nhận mã giảm giá tại các đơn vị liên kết thanh toán hay đặt vé xem phim, mua sắm trực tuyến... ngay trên ứng dụng ngân hàng.

Ngân hàng hợp kênh sẽ là một giao thức tiên tiến mà các ngân hàng đang hướng tới.

Thông thường nếu chỉ kết nối giao dịch trong hệ thống thì yếu tố an ninh, bảo mật sẽ dễ bề kiểm soát. Tuy nhiên khi mở rộng kênh giao dịch và giao thức đồng nghĩa với việc yếu tố an toàn giao dịch và an ninh kết nối hệ thống sẽ phải được các ngân hàng chú trọng hơn. Để nâng tính an toàn trong giao dịch, các ngân hàng Việt Nam hiện đã ứng dụng phương thức bảo mật đa lớp theo tiêu chuẩn châu Âu sẽ đảm bảo độ an toàn cao, khách hàng có thể an tâm khi mở rộng giao dịch với những dịch vụ mới và giao thức mở.

Hoài Phi

Tin đọc nhiều