Trung Quốc đóng cửa rừng, DN Việt lo âu

12:00 | 21/12/2016

Năm 2017 Trung Quốc sẽ đóng cửa rừng. Như vậy, nước này sẽ thiếu hụt 50% gỗ nguyên liệu. Lượng thiếu này sẽ được nhập khẩu và thị trường gần nhất của Trung Quốc là Việt Nam.

Ngành gỗ trước thách thức cạnh tranh nguyên liệu
Ngành gỗ Việt bị “nhòm ngó”
Ngành gỗ thận trọng hút vốn từ Trung Quốc

Lệnh đóng cửa rừng từ năm 2017 của Trung Quốc đang gây lo lắng lớn cho DN ngành gỗ Việt Nam. Hơn 120 DN thuộc các Hiệp hội VIFORES, HAWA, BIFA, FPA Bình Định đã cùng bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ ngành chế biến gỗ rơi vào khủng hoảng.

Ngành chế biến gỗ Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong 10 năm qua. Hiện cả nước đã có hơn 4.000 DN chế biến gỗ (năm 2000 cả nước mới chỉ có 741 DN chế biến gỗ và lâm sản), cùng gần 1.000 làng nghề với hàng vạn hộ gia đình, cơ sở chế biến gỗ. Nhu cầu gỗ nguyên liệu ngày càng tăng với tốc độ rất nhanh. Lượng gỗ nguyên liệu sử dụng ở năm 2013 chỉ là 25,7 triệu m3 gỗ quy tròn, thì đến năm 2014 đã tăng lên 28,6 triệu m3, năm 2015 là 31,3 triệu m3. Riêng 10 tháng 2016, tổng lượng gỗ mà ngành này sử dụng đã ở mức 26,7 triệu m3.

Nhu cầu nhiều như vậy, nhưng nguồn gỗ rừng trồng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 40%, số còn lại đang phải nhập khẩu từ 120 nước trên thế giới.

trung quoc dong cua rung dn viet lo au

Thời gian gần đây, các DN phản ánh tình trạng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thương nhân Trung Quốc đội lốt DN Việt Nam, đã hình thành những hệ thống nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu khắp các vùng, từ miền Nam ra đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, về giá gỗ cao su, chỉ từ tháng 9 đến nay, đã tăng 20%. Có đến 80% nguồn cung gỗ cao su ở Tây Nguyên đã được thương nhân Trung Quốc bao mua. Họ mở nhiều xưởng cưa xẻ ngay tại chỗ, ứng tiền mặt thuê người dân đi mua gom, trả giá cao và thanh toán ngay.

Thừa nhận là chưa thể kiểm chứng những phản ánh về tình trạng mua tranh gỗ nguyên liệu của thương nhân Trung Quốc như phản ánh, song ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend cho biết, năm 2017 Trung Quốc sẽ đóng cửa rừng. Như vậy, nước này sẽ thiếu hụt 50% gỗ nguyên liệu. Lượng thiếu này sẽ được nhập khẩu và thị trường gần nhất của Trung Quốc là Việt Nam.

Cùng với đó, điều lo ngại nữa của các DN nội là các DN Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế ưu đãi khi Việt Nam hội nhập, ông Lưu Phước Lộc - Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Mtrade, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) lên tiếng tại một buổi tọa đàm của các DN ngành gỗ mới đây. Cụ thể, ông Lộc cho biết, hiện nay đang có làn sóng các DN gỗ của Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Bình Dương, vấn đề ở chỗ hàng hóa của họ mang sang gần như đã là thành phẩm, phần việc tại Việt Nam chỉ là lắp ráp và phủ sơn.

“Mục đích của các DN Trung Quốc là muốn lấy C/O của Việt Nam, vì hiện nay họ không được cấp C/O sang thị trường Hoa Kỳ do bán phá giá. Hơn nữa, họ cũng muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam. Trong cạnh tranh về giá, các DN Trung Quốc luôn có lợi thế bởi luôn sản xuất với quy mô cực lớn. Đây là sức ép rất lớn, thậm chí có thể gây nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu tại các DN trong nước ở TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bình Định”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) phát biểu.

Trước tình hình này, ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị, ngành chế biến gỗ Việt Nam cần giải quyết tốt bài toán về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Theo đó, cần có những bước đột phá, giao đất cho hộ gia đình làm tăng tỷ lệ che phủ rừng. Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề này đã được đề ra nhưng đến nay vẫn lúng túng trong thực hiện. Cùng với đó, liên kết cũng được xem là một giải pháp cho ngành gỗ phát triển bền vững. Đó không chỉ là sự liên kết giữa người trồng với DN chế biến, mà còn là sự kết nối giữa các DN với nhau.

Cùng với đó, các DN đề nghị tăng kiểm tra giám sát để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước và lẩn tránh thuế xuất khẩu bằng cách giảm giá bán, kê khai không đúng quy cách gỗ nguyên liệu xuất khẩu.

Linh Linh

Tin đọc nhiều