Tăng cường cải cách thủ tục giao dịch | |
Cơ chế một cửa quốc gia: Đảm bảo mục tiêu, ưu tiên hiệu quả | |
Hà Nội đơn giản hóa hàng loạt thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai |
Cuối cùng, đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia”, với nhiều tranh cãi quanh chuyện bắt buộc dán tem bia, đã dừng triển khai. Văn phòng Chính phủ trong một văn bản mới phát hành đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với kiến nghị dừng nêu trên của Bộ Công Thương.
Lý do mà quyết định này được Bộ Công Thương kiến nghị lên, và Chính phủ đồng tình cho dừng, là do các tính toán cho thấy nếu thực hiện việc dán tem bia sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính mới, việc tuân thủ của DN sẽ chất thêm gánh nặng chi phí cho họ.
Cụ thể là để dán tem bia bằng giấy lên bia chai, bia thùng, bia két, bia nhập khẩu và in phun nhãn bia dùng cho sản phẩm bia lon thì tổng chi phí DN bỏ ra hàng năm dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng.
Đó có thể là con số không lớn với một thị trường sản xuất khoảng 4 tỷ lít bia mỗi năm (năm 2016, tổng sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỷ lít bia). Với nhiều DN lớn, việc tuân thủ các quy định trên vẫn có thể cân đối được. Nhưng chắc chắn điều này có thể làm giảm lợi nhuận DN, giảm tính cạnh tranh của ngành bia Việt Nam. Đồng thời, với thời gian thực hiện đề án trong 10 năm, chi phí thời gian và cơ hội có thể đi kèm, khó tính toán hết được.
Chính vì thế, hành động của Bộ Công Thương là rất đáng chú ý. Bất chấp trước đó đã kiến nghị, bất chấp việc dán tem bia được cho là có thể giảm thất thu thuế từ 2.100 - 3.000 tỷ đồng, hành động có chủ đích của Bộ Công Thương, bác bỏ quan điểm trước đó về dán tem bia để bảo vệ DN làm ăn chân chính trước các khoản chi phí phát sinh, được cho là dũng cảm.
Nó cũng cho thấy Bộ này đã lắng nghe nhiều phía, đã cân nhắc nhiều góc độ. Ngành sản xuất bia Việt, theo Bộ Công Thương, đóng góp khoảng 2,7% cho ngân sách Nhà nước hàng năm (năm 2016, tổng nộp ngân sách ngành này đạt khoảng 30.000 tỷ đồng). Đây rõ ràng là lĩnh vực sản xuất DN Việt đang chiếm lĩnh thị trường.
Đồng thời, bảo vệ những DN Việt đang đứng trước các cơ hội phát triển mới như DN bia, hành động Bộ Công Thương đưa ra như trên là phù hợp, trong bối cảnh các Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN đang được nhiều bộ, ngành triển khai quyết liệt.
Cùng với công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, đầu tư trước đó, đây được xem là hành động có tính kế tiếp. Nó đem đến kỳ vọng về những cải cách xóa bỏ rào cản kinh doanh và đầu tư tiếp theo ở Bộ này, đồng thời có thể kéo theo các bộ, ngành khác vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Tất nhiên, để tiếp tục kiểm soát ngành bia, minh bạch DN liên kết đặc biệt ở quy mô lớn, kiểm soát tình trạng nhập lậu, bia giả, gian lận thương mại và giảm thất thu thuế, Bộ Công Thương sẽ phải nghiên cứu các giải pháp khác. Nhưng người ta có quyền hy vọng các giải pháp mới sẽ hình thành trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và DN.
Đó chẳng phải là một hành động của “Chính phủ kiến tạo phát triển”?
Anh Quân