Làng nghề thủ công mỹ nghệ: Nỗi lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu | |
Làng nghề Việt: Nỗ lực để thích ứng |
Trong đó, DN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác, hỗ trợ các làng nghề phát triển, nhất là trong xuất khẩu. Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng đang có nhiều chính sách nhằm kêu gọi, thúc đẩy các DN tham gia hợp tác để phát triển làng nghề.
Các làng nghề rất cần sự vào cuộc của DN |
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận. Nhiều địa phương đã có những làng nghề nổi tiếng xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới, mang lại nhiều lợi nhuận, nâng cao đời sống cho người dân. Nhiều làng nghề bị thất truyền trong lịch sử cũng đã được khôi phục, phát triển trở lại.
Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, nhất là sự bùng nổ của công nghệ, các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, đổi mới mẫu mã, xây dựng thương hiệu và giới thiệu sản phẩm ra bên ngoài. Do đó việc các DN tham gia liên kết, hợp tác với các làng nghề nhằm nâng tầm các sản phẩm làng nghề đã giúp các làng nghề phát triển bền vững hơn.
Một trong những DN đã phát triển thương hiệu làng nghề được nhiều khách hàng ưa chuộng phải kể đến CTCP gốm Chu Đậu (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội- Hapro) với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu. Ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc công ty cho biết, gốm Chu Đậu là dòng gốm cổ cao cấp của nước ta, phát triển rực rỡ thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc. Gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao, giàu bản sắc dân tộc, rất đẹp về bố cục, phong phú về màu sắc, đa dạng về thể loại sản phẩm…
Tuy nhiên thương hiệu gốm Chu Đậu đã có những thời điểm bị lãng quên và vắng bóng trên thị trường. Chính vì vậy, từ đầu năm 2001 công ty quyết định phục dựng và phát triển dòng sản phẩm này. Trải qua gần 20 năm với rất nhiều khó khăn, thăng trầm, sản phẩm gốm Chu Đậu đã nổi tiếng trên thị trường và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nga, Hàn Quốc...
Ông Thức nhấn mạnh, việc phát triển thương hiệu sản phẩm truyền thống phải giữ được những tinh hoa trong nghề của ông cha để lại, bảo tồn nét văn hóa và nghệ thuật làm gốm Chu Đậu trong từng sản phẩm. Từ đó đáp ứng được thị hiếu của khách hàng cả trong và ngoài nước.
Có thể thấy, các làng nghề truyền thống đang có sức hút với các DN tham gia đầu tư. Là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, Hà Nội được biết đến với nhiều thương hiệu làng nghề nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh thêu Quất Động… Tính đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.
Những năm qua, các làng nghề trên địa bàn đã có nhiều đổi mới về tư duy, đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thì nhiều làng nghề gặp khó khăn khi thiếu những hiểu biết về thị trường, công nghệ còn lạc hậu…
Chính vì vậy, rất cần các doanh nghiệp chủ động liên kết để tiếp thu công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và xuất khẩu thông qua các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu… nhất là các làng nghề du lịch.
Theo Sở Công thương Hà Nội, nhiều làng nghề nổi tiếng ở Thủ đô đang thu hút lượng lớn khách du lịch rất cần sự liên kết, kết nối DN phát triển du lịch nhằm khai thác tốt hơn những lợi thế đang có. Việc tăng cường kết nối DN và du lịch làng nghề cũng đang được các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả nhất, giúp các làng nghề phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông Lưu Duy Dần cho rằng, lợi thế của các DN là có nền tảng công nghệ, am hiểu thị trường nên việc liên kết với các làng nghề đem đến hiệu quả cho cả đôi bên.
Nguyễn Minh