Tăng gấp đôi diện tích khu công nghiệp Hòa Ninh lên 400ha | |
Bổ sung Khu Công nghệ cao Cần Thơ vào Quy hoạch | |
Đất khu công nghiệp sẽ sôi động |
Năm 2016, các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận tổng cộng 201 kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong đó, 200 kiến nghị đã được xử lý, trả lời, 1 kiến nghị về mặt bằng sản xuất, kho tàng cho DNNVV của Hiệp hội DNNVV vẫn đang tiếp tục xử lý. Điều đáng nói, nổi lên trong số các ý kiến của DN phần nhiều vẫn là những kiến nghị về mặt bằng sản xuất kinh doanh, khi có đến 69 kiến nghị rơi vào các vấn đề về đất đai và nhu cầu sử dụng đất của DN.
Mặt bằng sản xuất vẫn là nỗi trăn trở của các DNNVV |
Có thể nói, đến nay cộng đồng DN đặc biệt DNNVV trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, phục vụ nhu cầu sử dụng mở rộng sản xuất kinh doanh.
Mới đây, tại Hội nghị đối thoại DN năm 2017, do Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức, đại diện các hiệp hội, DN trên địa bàn tiếp tục đưa ra những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng sản xuất. Thực tế, đến nay trên địa bàn thành phố số lượng DNNVV vẫn chiếm số đông.
Thực tế, hoạt động của nhiều DN đang gặp khó khăn, trong đó có những khó khăn về mặt bằng sản xuất. Bởi, số đông DNNVV vẫn còn sản xuất, kinh doanh ở trong các khu dân cư. Trong khi, về lâu dài sẽ phải di dời theo chủ trương chung của thành phố. Nhằm giải quyết những búc xúc của các DN hội viên về vấn đề mặt bằng, Hội DNNVV TP. Đà Nẵng đã tiến hành thủ tục thành lập CTCP Đầu tư Cụm công nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng hạ tầng, khu kho tàng trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu rồi cho DNNVV thuê lại. Song, đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo.
Tương tự, đại diện Hội doanh nghiệp Cẩm Lệ cũng từng kiến nghị các sở, ngành có liên quan tích cực và đẩy nhanh việc hình thành các cụm công nghiệp (CCN), nhằm hỗ trợ mặt bằng cho các DN nằm trong các khu dân cư và có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Trước thực trạng thiếu mặt bằng sản xuất của DN, về phía chính quyền địa phương ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đã có chủ trương thành lập mới các KCN, CCN và sẽ triển khai sớm để tạo điều kiện mặt bằng sản xuất kinh doanh cho DN. Được biết, đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 6 KCN và 1 CCN đã gần lấp đầy (86,7%).
Trước thực trạng thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030, theo đó sẽ xây dựng thêm 4 KCN và 8 CCN mới. Trong đó, thành phố đã có chủ trương thành lập 3 CCN gồm: CCN Cẩm Lệ, CCN Hòa Nhơn và CCN Hòa Khánh Nam. Sau khi các CCN này đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng để giải quyết nhu cầu cho các DNNVV hiện còn thiếu mặt bằng sản xuất.
Đối với các kiến nghị về đơn giá thuê lại đất và sử dụng hạ tầng của DN, được biết trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện tồn tại 2 loại hình KCN gồm: KCN do DN đầu tư, tại đây đơn giá thuê theo thị trường, do chủ đầu tư quyết định. KCN do nhà nước đầu tư đơn giá thuê lại đất bình quân 7,2 đến 12,6 nghìn đồng/m2/năm.
Do trong một thời gian dài không điều chỉnh nên rất thấp so với các KCN khác trên địa bàn. Điều này, đã tạo cơ hội cho một số DN lợi dụng đơn giá thấp, thuê đất nhưng không triển khai dự án và chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác để hưởng chênh lệch, gây khó khăn trong việc quản lý tại các KCN. Nhằm hạn chế tình trạng trên, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-UBND quy định đơn giá cho thuê lại đất và sử dụng hạ tầng tại các KCN do chính quyền đầu tư.
Theo đó, đơn giá cho thuê lại đất trả tiền hàng năm 23 nghìn đồng/m2/năm và đơn giá thanh toán một lần cho toàn bộ thời gian thuê 17,4 nghìn đồng/m2/năm; Mức thu tiền sử dụng hạ tầng 8 nghìn đồng/m2/năm...
Đặc biệt, chính quyền địa phương đã có chủ trương ở KCN mới sẽ lồng ghép chính sách, đấu thầu nhằm tạo ra sân chơi công bằng cho DN, hình thành các chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực sự có năng lực, tích cực triển khai đầu tư KCN trên địa bàn, góp phần giải quyết vấn đề mặt bằng, sản xuất kinh doanh cho các DN.
Bài và ảnh Nghi Lộc