Vẫn phải chờ các trung tâm logistics

08:00 | 17/06/2019

Phát triển logistics hợp lý, giúp DN tiết kiệm được chi phí rất lớn, gia tăng cạnh tranh của sản phẩm

Lần đầu tiên triển lãm hạ tầng cảng biển và logistics
Vận tải thủy nội địa: Lời giải giảm chi phí logistics
Cơ hội cải thiện thứ hạng logistics

Đại diện AEON tại Việt Nam khẳng định hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt Nam có chất lượng không thua kém các nước, nhưng giá thành quá cao nên kém cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước... Và một trong những nguyên nhân chính gây nên điều này là chi phí vận chuyển cao hơn các quốc gia khác

Theo TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, phần lớn hàng hóa tại ĐBSCL muốn xuất khẩu đến các nước trên thế giới đều phải lên cảng Cát Lái (TP. HCM) hoặc Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) để xuất khẩu, điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến chuỗi giá trị và chất lượng hàng hóa khi đưa ra thị trường thế giới.

van phai cho cac trung tam logistics
Phát triển logistics hợp lý, giúp DN tiết kiệm được chi phí rất lớn, gia tăng cạnh tranh của sản phẩm

Minh chứng cho điều này, lãnh đạo một DN thủy sản xuất khẩu lớn ở vùng ĐBSCL cho biết, vận chuyển tôm từ Cà Mau lên TP. HCM mất 11 triệu đồng/container và từ Hậu Giang đi TP. HCM mất 7 triệu đồng/container. Với khoảng 6.700 - 7.000 container/năm thì riêng chi phí logistics tại hai lộ trình này đã hơn 60 tỷ đồng/năm và là quá lớn. Nếu phát triển logistics hợp lý, DN có thể đưa hàng xuất khẩu trực tiếp mà không phải trung chuyển lên TP. HCM, sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, và sản phẩm sẽ gia tăng được tính cạnh tranh hơn.

TS. Hồ Thị Thu Hòa nhìn nhận, mặc dù từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch các trung tâm logistics cả nước, trong đó, ĐBSCL có 2 trung tâm hạng 2. Nhưng cho đến nay, khu vực ĐBSCL vẫn chưa có trung tâm logistics nào.

Không chỉ riêng khu vực ĐBSCL, nhiều tỉnh thành và khu vực trên cả nước vẫn chưa có một trung tâm logistics theo đúng nghĩa. Hiện nay, việc quy hoạch cơ sở hạ tầng logistics ở Việt Nam còn rời rạc và chỉ thường tập trung vào các phương thức vận chuyển đơn lẻ. Ngay trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP.HCM cũng chỉ mới có dự thảo đề án quy hoạch và thành lập 3 trung tâm logistics vào tháng 5 vừa qua.

Để hạn chế nguy cơ phát triển một cách dàn trải, manh mún khi các tỉnh, thành cùng muốn phát triển các trung tâm logistics ở địa phương mình theo các cấp độ khác nhau, trước hết cần xác định, căn cứ các thế mạnh của địa phương mình về điều kiện phát triển, cơ sở hạ tầng, tình hình sản xuất, thương mại - dịch vụ để quy hoạch một cách phù hợp, hiệu quả...

Kề cận TP.HCM là Bình Dương, một trong những tỉnh nằm trong top đầu thu hút vốn FDI của cả nước, thế nhưng tỉnh này vẫn chưa có một trung tâm logistics đúng nghĩa. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh hiện đang thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, tập trung phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ; nạo vét khai thác hệ thống đường sông, tiến tới xây dựng tuyến đường sắt đến cảng Cái Mép - Thị Vải; kêu gọi các nhà đầu tư vào các cảng cạn, cảng sông.

Hiện tại, Bình Dương đã quy hoạch 300 hecta đất để xây dựng trung tâm logictics đạt chuẩn nhằm liên kết các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, cung cấp dịch vụ logistics thông suốt, nhanh chóng, an toàn, đáp ứng nhu cầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng lân cận. Bình Dương đang thiết lập dự án xây dựng 3 trung tâm logistics tại khu vực Bắc Bình Dương, thị xã Dĩ An, thành phố mới Bình Dương và kêu gọi đầu tư quy mô lớn vào hạ tầng kho bãi, dịch vụ hậu cần, được vận hành bằng công nghệ thông tin.

Chi phí logistics đang chiếm tỷ trọng lớn, vô hình trung trở thành rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của DN. Để giảm chi phí logistics, các chuyên gia và DN trong ngành đều cho rằng cần phải đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối giữa các phương thức vận tải; đồng thời phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho DN logistics Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, tránh tình trạng vận chuyển một chiều.

Trên thực tế, logistics bắt đầu phát triển ở Việt Nam từ những năm 1990, đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1012/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quyết định này, hệ thống trung tâm logistics quốc gia được quy hoạch tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam với các loại trung tâm logistics: hạng I, hạng II và trung tâm logistics chuyên dụng... tùy thuộc vào diện tích và phạm vi phục vụ.

van phai cho cac trung tam logistics

Để hạn chế nguy cơ phát triển một cách dàn trải, manh mún khi các tỉnh, thành cùng muốn phát triển các trung tâm logistics ở địa phương mình theo các cấp độ khác nhau, trước hết cần xác định, căn cứ các thế mạnh của địa phương mình về điều kiện phát triển, cơ sở hạ tầng, tình hình sản xuất, thương mại - dịch vụ để quy hoạch một cách phù hợp, hiệu quả...

“Trước mắt, các DN cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, liên kết các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ (logistics platform) giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ tích hợp và giá trị gia tăng; Phát triển dịch vụ logistics nội địa, logistics thương mại điện tử và xuyên biên giới”, bà Hòa chia sẻ.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều