Vì sao nhà đầu tư e ngại với “điện sạch”?

13:00 | 13/03/2019

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc công ty ROQ Asociates Pte Ltd (Singapore) chia sẻ, nhận thấy việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam có nhiều tiềm năng nên DN này đã hợp tác với đối tác của Singapore và Đức dự định phát triển dự án điện gió với công suất 1.500 MW tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đầu tư không dễ dàng.

Chờ sóng lớn hơn vào năng lượng tái tạo
Phát triển mô hình năng lượng sạch

Đầu tiên là hệ thống truyền tải điện rất thấp, như tỉnh Ninh Thuận, sản lượng NLTT khoảng 2.000 MW song khả năng truyền tải chỉ khoảng 700-800 MW, dẫn tới hậu quả có khá nhiều nhà máy sẽ không có cơ hội phát điện thường xuyên vào hệ thống quốc gia.

vi sao nha dau tu e ngai voi dien sach
Ảnh minh họa

Vì thế, DN này vẫn đang nghiên cứu địa phương nào ở Việt Nam vừa đảm bảo tiềm năng phát triển, vừa không bị hạn chế phát vào hệ thống điện, thậm chí DN cũng đang tính tới nghiên cứu tìm một phương án đầu tư để nâng cấp mạng lưới truyền tải điện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, một loạt các khó khăn mà nhà đầu tư đang gặp phải khi phát triển các dự án NLTT ở Việt Nam như hợp đồng mua bán điện không được Ngân hàng Thế giới chấp nhận; không có nhiều ngân hàng nước ngoài cho vay dự án NLTT tại Việt Nam, lượng tiền của ngân hàng Việt Nam cho dự án NLTT quá ít.

Chưa kể, nhiều nhà đầu tư chỉ xin phép phát triển dự án NLTT với ý đồ bán lại dự án chứ không nhằm mục đích đầu tư phát triển lâu dài. Dẫn tới, một mặt nhà đầu tư cảm thấy khó xin phép nhưng nếu mua lại dự án của những nhà phát triển dự án trước đó thì giá quá cao khoảng 150.000 USD/MW.

Liên quan tới tình hình phát triển NLTT, bà Phạm Hương Giang - Phó trưởng phòng NLTT (Bộ Công thương) cho biết, thủy điện nhỏ có tiềm năng là 7.500 MW, đã vận hành 2.894 MW; điện gió: hơn 20.000 MW, đã vận hành 190 MW; điện sinh khối: 3.000 MW, đã vận hành 212 MW; điện rác: 320 MW, đã vận hành 5 MW... Điều này cho thấy việc phát triển các dạng NLTT chưa tương xứng với tiềm năng.

Như điện sinh khối, ngoài dự án phát triển điện từ bã mía gần như chưa có dự án phát triển từ nguồn khác. Nguyên nhân là do một số khó khăn về nguồn nguyên liệu, cơ chế giá chưa hấp dẫn. Hay điện rác dù đã có cơ chế chính sách nhưng số dự án thực hiện rất ít, chưa phát triển do một số bất cập liên quan tới quản lý rác tại các tỉnh...

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng thừa nhận, hiện tại, tính cả công suất nhà máy thủy điện lớn, NLTT chiếm trên 40% trong tổng công suất của hệ thống điện. Tuy nhiên, khi loại trừ nhà máy thủy điện lớn, chỉ tính nhà máy thủy điện nhỏ cùng với điện mặt trời, điện gió... rõ ràng tỷ trọng NLTT đóng góp chưa đáng kể.

NLTT, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió có những mặt hạn chế như không ổn định do hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Khả năng giải tỏa công suất cũng hạn chế, khả năng khai thác chỉ tập trung tại một số địa điểm, ảnh hưởng đến tính ổn định vận hành hệ thống điện, làm tăng chi phí của hệ thống kéo theo làm tăng giá điện đối với người tiêu dùng.

Vì vậy, hiện, Bộ Công thương đang tiếp tục làm việc với các tổ chức thế giới để nghiên cứu giải pháp phát triển hiệu quả, ổn định NLTT, nâng tỷ trọng lên cao. Để thúc đẩy phát triển NLTT cần phân tích, tính toán đưa ra lộ trình nhằm khai thác một cách hiệu quả các dự án theo từng giai đoạn của đất nước. Đồng thời, xem xét tới khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất thiết bị NLTT để tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành.

“Với cơ chế khuyến khích hấp dẫn của Chính phủ, sự tiến bộ của công nghệ điện mặt trời, điện gió, mục tiêu đạt 20% công suất hệ thống NLTT (không kể thủy điện) sẽ được hoàn thành vượt mức”, Thứ trưởng Vượng khẳng định.

Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm phát triển NLTT của Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai bằng cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ). Để phát triển dự án NLTT minh bạch, hấp dẫn nhà đầu tư, bên cạnh cơ chế giá FIT, Bộ Công thương đang xây dựng lộ trình phát triển NLcơ chế đấu thầu, đấu giá dự án điện NLTT. Cơ chế mới này chắc chắn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Hồng Hạnh

Tin đọc nhiều