Ảnh minh họa |
Khó vẫn hoàn thành mục tiêu
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, việc đạt mức tăng trưởng chưa như kỳ vọng là do có nhiều yếu tố tác động của thị trường, làm ảnh hưởng đến đơn hàng và chịu tác động của biến động tỷ giá.
Dẫn chứng cụ thể, ông Trường cho biết kết quả kinh doanh của quý I xấu hơn rất nhiều so với quý II, khi nhiều DN trong ngành dệt may, thậm chí là DN lớn không có đủ đơn hàng. Thêm vào đó, một số đồng tiền chủ chốt ở các nước mà Việt Nam có nhiều đơn hàng xuất khẩu như EU, Nhật Bản… bị phá giá rất mạnh trong 6 tháng đầu năm, khiến cho hàng hóa nhập khẩu đắt lên rất nhiều. Ông Trường dẫn chứng, Vinatex ký hợp đồng mua máy của Nhật Bản với tỷ giá khoảng 103-104 Yên đổi 1 USD, song giờ đã tăng lên mức 110 Yên, thậm chí là 120 Yên.
“Đồng tiền của họ phá giá tới 20%, giá đắt lên 20%, trong khi trong nước VND chỉ tăng 2%, vô hình trung khiến cho hàng dệt may Việt Nam khi tới những thị trường này bị đắt lên. Do đó, làm thế nào để xử lý ổn thỏa được tình hình thị trường như EU, Nhật Bản trong lúc này là rất khó. Riêng Vinatex sẽ cố gắng đảm bảo hoàn thành trên 15,2% trong quý II, song đối với toàn ngành thì cần sự nỗ lực của hơn 5000 DN. Tuy nhiên, kế hoạch của năm nay vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, và đảm bảo được kim ngạch xuất khẩu dệt may trên cả nước là 27-27,5 tỷ”, ông Trường khẳng định.
Thay đổi chiến lược cho nội địa
Xét trong bối cảnh Việt Nam vừa tham gia ký kết Liên minh Hải quan, cùng sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, đại diện của Vinatex tin tưởng rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được. Bởi hiện nay, DN dệt may đang có xu hướng chuyển dần từ gia công sang sản xuất hàng hoá với giá trị gia tăng cao, đầu tư nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.
Dẫn chứng, trong 6 tháng đầu năm, sự dịch chuyển đầu tư tại các tỉnh, thành được xem là tín hiệu tích cực. Nhớ lại giai đoạn 2008-2010, khi thị trường tài chính, bất động sản thuận lợi thì việc kêu gọi đầu tư vào dệt may thực sự rất khó khăn, ít địa phương hưởng ứng. Tuy nhiên, trong năm nay đã có nhiều địa phương kêu gọi đầu tư dệt may, khi nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của ngành trong tạo việc làm, giải quyết lao động.
Song, điều làm DN đứng đầu trong ngành dệt may băn khoăn nhất chính là thị trường nội địa. Chia sẻ về việc phải “bán đứt” hệ thống phân phối của Vinatex tại nội địa là VinatexMart, ông Trường cho biết tập đoàn muốn lựa chọn một chiến lược phân phối phù hợp, thay vì dựa trên một hệ thống phân phối mà có tới 3/2 doanh thu đến từ các sản phẩm khác ngoài dệt may.
Cũng bởi, hiện các điểm bán của hệ thống này không chỉ phân phối sản phẩm dệt may, mà còn nhiều mặt hàng kinh doanh tổng hợp, trong khi chiến lược của tập đoàn là không muốn kinh doanh sản phẩm khác ngoài dệt may, để tạo sự chuẩn hoá hệ thống. Do đó, việc bán đi hệ thống VinatexMart là phù hợp để phục vụ cho nhu cầu phát triển đặc thù của DN.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Đức Giang cho biết, sẽ không bao giờ “buông” thị trường nội địa, bởi mục tiêu của Vinatex là đạt mức tăng trưởng 10 – 15% tại thị trường này. Do đó, bên cạnh chiến lược phát triển hệ thống phân phối riêng ở từng DN, chuẩn hoá các điểm bán phân phối, Vinatex sẽ nhắm đến thị trường đồng phục.
Trong đó bao gồm: đồng phục dịch vụ với quần áo cửa hàng, nhà hàng siêu thị, hệ thống thương mại; đồng phục cao cấp văn phòng gồm cơ quan công sở ngân hàng; đồng phục bảo hộ lao động cung cấp cho nhà máy công xưởng. Theo ông Dũng, mức tăng trưởng của ngành hàng này trong năm nay là khoảng 30 – 40%, trong đó tỷ lệ sử dụng vải nội địa lên đến 70 – 80%.
Hà Sơn