Vốn ngoại đổ vào các chuỗi cầm đồ

13:16 | 13/03/2019

Ngoài các quỹ tài chính quốc tế và các tập đoàn nước ngoài, hàng trăm DN nội địa cũng đang đầu tư vốn vào lĩnh vực cầm đồ.

F88 được định giá gần 1.000 tỷ đồng ở vòng đầu tư tăng trưởng
Hoạt động cầm đồ và những khuyến cáo

Lấn sân cả bảo hiểm và tín dụng

F88 - một trong những chuỗi cửa hàng cầm đồ được giới tài chính tiêu dùng đánh giá hoạt động khá uy tín và chuyên nghiệp. Ông Phùng Anh Tuấn, Giám đốc điều hành F88 cho biết, thời gian qua đơn vị này đã được hai quỹ tài chính quốc tế Mekong Capital và Granite Oak đầu tư vốn.

von ngoai do vao cac chuoi cam do
Quy mô các chuỗi cửa hàng cầm đồ chuyên nghiệp ngày càng được mở rộng

Đến nay, F88 đã xây dựng được 50 cửa hàng tại 7 tỉnh, thành với mức đầu tư bình quân 15.000 USD tương đương khoảng 340 triệu đồng một cửa hàng. Ngoài việc tập trung vào cho vay cầm đồ với các mặt hàng phổ thông như điện thoại, máy tính, xe máy, ô tô, đồng hồ, trang sức… đơn vị đã bắt đầu tiến sang cả lĩnh vực phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Để đa dạng sản phẩm, F88 đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Bảo hiểm Mirae Asset Prévoir. Theo đó, đơn vị sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư tăng thêm từ quỹ Granite Oak để phát triển mảng phân phối bảo hiểm, đưa thêm dịch vụ bảo hiểm khoản vay vào danh sách các sản phẩm dịch vụ chuỗi cửa hàng đang triển khai. Từ đó nâng mức giải ngân của toàn hệ thống từ 1.000 tỷ đồng (năm 2018) lên 2.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019 đồng thời chuẩn bị cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2021.

Không chỉ có F88, trên thị trường, nhất là ở các thành phố lớn, nhiều chuỗi cửa hàng cầm đồ có sự hậu thuẫn từ các quỹ tài chính và các tập đoàn kinh tế nước ngoài đang phát triển khá mạnh. Tại TP.HCM, từ năm 2015 Quỹ đầu tư John Galt Ventures (Hoa Kỳ) đã đưa ra trang điện tử Camdonhanh.vn với tham vọng đưa hình thức cầm đồ trực tuyến trở thành một hình thức cho vay cầm cố tiện lợi và cạnh tranh trực tiếp với các công ty tài chính cũng như các cơ sở cầm đồ truyền thống.

Trong khi đó, sau khi hoàn tất đàm phán mua lại Công ty cho thuê tài chính nông nghiệp I (ALC I) của Agribank, Tập đoàn Srisawad Corporation (SAWAD) của Thái Lan đã đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty tài chính tổng hợp để nhắm vào thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.

Trên thực tế, từ 2015 đến nay công ty con của SAWAD đã hiện diện trên thị trường Việt với chuỗi 7 cửa hàng cầm đồ tại Nghệ An, TP.HCM, Bình Dương và Cần Thơ. Hiện nay với tiềm lực tài chính khá mạnh, rất có thể chuỗi cầm đồ của người Thái sẽ là một trong những chuỗi cửa hàng chuyên nghiệp và có mức tăng trưởng mạnh. Việc lấn sân sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng của người Thái cũng như sự kết hợp giữa các quỹ tài chính với các chuỗi cầm đồ trực tuyến được giới quan sát dự báo sẽ còn tiếp tục sôi động trong năm nay.

Lưu ý lãi suất và pháp lý tài sản

Không chỉ có sự tham gia của các tập đoàn nước ngoài và các quỹ tài chính quốc tế, vài năm gần đây lĩnh vực cầm đồ thu hút khá nhiều sự đầu tư của các DN nội địa. Tại địa bàn TP.HCM, hiện nay ngoài hàng ngàn cơ sở cầm đồ truyền thống các chuỗi cầm đồ trực tuyến của các DN trong nước như: CTCP VietMoney, CTCP Nhật Tảo, Công ty TNHH Song Hùng… cũng bắt đầu mở rộng mạng lưới.

Trong bối cảnh, hoạt động cầm đồ nở rộ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và nhiều hình thức kinh doanh mới, Luật sư Nguyễn Trung Trực (Văn phòng Luật Phan Law) khuyến cáo người dân khi tiếp cận các cơ sở cầm đồ cần lưu ý những quy định về lãi suất cho vay cầm đồ và pháp lý về tài sản cầm cố.

Theo đó, hiện nay, áp dụng Điều 29 của Nghị định 96/2016, các cơ sở kinh doanh cầm đồ phải có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân (còn giá trị sử dụng) của người mang tài sản đến cầm cố, đồng thời photo lưu lại tại cơ sở kinh doanh và lập hợp đồng cầm cố tài sản.

Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba, phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu thì các cơ sở cầm đồ mới được nhận cầm cố. Nếu không có văn bản ủy quyền, cơ sở cầm đồ và người thực hiện cầm cố có thể bị truy tố hình sự với các tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo Điều 174 Bộ luật Hình sự) hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (theo Điều 175 Bộ luật Hình sự).

Thạch Bình

Tin đọc nhiều