VPBank tự tin với kế hoạch lợi nhuận

09:35 | 01/09/2020

Ngoài thúc đẩy các hoạt động mang lại doanh thu, câu chuyện tăng trưởng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) còn đến từ các yếu tố nội tại của ngân hàng như giảm chi phí vốn, chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả trong quản lý.

Số liệu tài chính bán niên tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu của nhóm ngân hàng trong danh sách những ngành có kết quả tích cực nhất, cho dù có khó khăn từ đại dịch. Nhưng, khác với cùng kỳ năm trước, mức độ phân hóa đã trở nên rõ ràng hơn, khi tăng trưởng giữa các nhà băng đã có khoảng cách lớn.

vpbank tu tin voi ke hoach loi nhuan
VPBank hướng tới việc giữ ổn định hoạt động, duy trì tăng trưởng ở mức độ hợp lý, tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng chất lượng

Trong khi nhiều ngân hàng lớn tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2020, thì một số nhà băng lại vươn lên với mức tăng lợi nhuận hai con số như VPBank, VietinBank, VIB, HDBank hay TPBank. Theo FiinGroup, lợi thế của những NHTMCP trong giai đoạn hiện nay là khả năng tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức thấp, chủ yếu do nhóm này tập trung vào phân khúc bán lẻ và tín dụng tiêu dùng.

Báo cáo từ FiinGroup cũng cho biết, những ngân hàng này cũng là nhóm dẫn đầu trong cuộc đua hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, như VPBank (hoàn thành 64% kế hoạch), VIB (52%), ACB và MB (50%), SHB (51%).

Tuy nhiên, những con số tích cực không đồng nghĩa với một cam kết chắc chắn cho năm nay. Trong nửa cuối năm, thách thức duy trì đà tăng trưởng vẫn là bài toán không dễ giải khi diễn biến Covid-19 đang phức tạp trở lại. Các chuyên gia đánh giá, khó khăn về đầu ra vốn tín dụng, nguy cơ nợ xấu tăng cao hay áp lực về NIM sẽ tiếp tục là "đề bài" khó.

Dù vậy, lời giải cho vấn đề tăng trưởng không chỉ có một vế tăng nguồn thu. Ở khía cạnh ngược lại, việc quản lý tốt chi phí, giảm chi phí vốn hay tăng hiệu suất hoạt động của nhân viên cũng mang lại hiệu quả tích cực. Điều này có thể thấy qua những số liệu chi tiết về hoạt động VPBank trong nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính bán niên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank trong 6 tháng đạt gần 6.600 tỷ đồng, tăng gần 52% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 64% kế hoạch năm. Ngoài việc tăng trưởng doanh thu hoạt động, động lực tăng trưởng của ngân hàng này cũng xuất phát từ chính trong nội tại hoạt động.

Trong khi tổng doanh thu (TOI) của VPBank tăng 12% trong nửa đầu năm, chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất lại giảm hơn 3%. Nếu xét riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu trong quý II đã giảm đáng kể còn 30,7%, so với mức 40,4% quý II/2019.

Những con số này là kết quả sau quá trình tái cơ cấu hoạt động và nhân sự. Việc tối ưu hóa công nghệ bằng những chiến lược bài bản trong các khâu quan trọng, giúp VPBank không cần gia tăng quy mô nhân sự theo tốc độ tăng trưởng. Riêng trong nửa đầu năm nay số lượng nhân sự ngân hàng riêng lẻ giảm 3%. Nói cách khác, ngân hàng đang ngày càng hoạt động hiệu quả, thực chất hơn thay vì việc mở rộng nhờ quy mô nhân sự như trước.

Một động lực khác cho tăng trưởng là việc cải thiện chi phí vốn. So với cuối năm 2019, chi phí vốn (COF) của riêng ngân hàng mẹ VPBank tại thời điểm cuối quý 2/2020 đã giảm 30 điểm phần trăm, từ 6,1% còn 5,8%. Kết quả này nhờ việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào thông qua các kênh chi phí thấp, bao gồm cả vốn quốc tế và trong nước. Ngoài ra, việc đầu tư chiều sâu các nền tảng mới cũng giúp VPBank tạo ra một hệ sinh thái giao dịch đủ mạnh để giữ chân khách hàng. Những giải pháp này đã phần nào giúp ngân hàng cải thiện CASA - mục tiêu quan trọng trong năm nay và những năm tới.

Tăng trưởng hoạt động cao, nhìn từ góc khác, cũng giúp ngân hàng có nhiều dư địa để xử lý nợ xấu, tăng khả năng chống chịu rủi ro. Chi phí dự phòng trong nửa đầu năm thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do năm 2019 VPBank tập trung xử lý dứt điểm nợ đã bán cho VAMC. Nếu tập trung so sánh vào chi tiết xử lý nợ xấu, loại trừ đi khoản chi phí dự phòng mua lại dư nợ trái phiếu tại VAMC năm ngoái, thực tế số dự phòng trích và sử dụng trong nửa đầu năm nay của ngân hàng riêng lẻ vẫn cao hơn 30,4% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này giúp quy mô nợ xấu của ngân hàng giảm trong 6 tháng đầu năm nay dù tổng doanh thu và lợi nhuận tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất đến cuối quý II còn 2,71%, so với mức gần 3% cuối năm 2019. Riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,07%.

Những kết quả này củng cố vững chắc hơn triển vọng 6 tháng cuối năm, dù đại dịch đang có chiều hướng phức tạp. Trong buổi gặp các chuyên gia phân tích mới đây, đại diện VPBank khẳng định đã có chiến lược cụ thể. Theo đó, ngân hàng sẽ hướng tới việc giữ ổn định hoạt động, duy trì tăng trưởng ở mức độ hợp lý, tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng chất lượng. Ngoài việc phát triển mạnh hơn mảng giao dịch để tăng thu từ phí, VPBank cho biết sẽ tiếp tục tập trung kiểm soát, tối ưu hóa hoạt động, triển khai các sáng kiến công nghệ, các nền tảng mới.

"Mục tiêu lợi nhuận của chúng tôi vẫn tiếp tục bám sát kế hoạch đã đưa ra. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng như hai quý đầu năm. Lợi nhuận năm nay có thể cao hơn 10-15% kế hoạch đã cam kết với cổ đông", đại diện VPBank chia sẻ.

Sao Mai

Tin đọc nhiều