Xây dựng xã hội bền vững: Kinh nghiệm từ Thụy Điển

11:00 | 07/10/2016

Ngày 6/10, Diễn đàn “Giải pháp xây dựng xã hội bền vững - chia sẻ kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam”, sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Thương mại và Đầu tư Thụy Điển, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.

Lo môi trường bị đánh đổi lấy kinh tế
Thành lập Trung tâm đào tạo môi trường và xã hội bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong công cuộc đổi mới, đất nước Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế tập trung sang chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong hai thập kỷ qua, tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 7%/năm, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 18%/năm.

Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15 tỷ USD thì đến năm 2015 đã đạt 162 tỷ USD và có 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Song song với quá trình phát triển nền kinh tế thì cũng bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm như sự phát triển không đồng bộ của cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, chất lượng nguồn nhân lực...

xay dung xa hoi ben vung kinh nghiem tu thuy dien
Tăng trưởng hướng đến sự phát triển vừa năng động nhưng vừa phải bền vững

Theo bà Ann Linde, Bộ trưởng phụ trách Thương mại của Thụy Điển, những thành công trong bảo vệ môi trường hôm nay không đảm bảo cho sự bền vững trong tương lai. Vì vậy cần có những chiến lược bảo vệ môi trường. Thụy Điển tự hào là một trong những quốc gia bền vững nhất thế giới. Nguồn năng lượng tái tạo của Thụy Điển chiếm thị phần cao nhất trong mảng năng lượng của đất nước.

Chính phủ Thụy Điển cũng có tham vọng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ đã dành 400 triệu SEK để hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường.

“Với những thành công đó, chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc làm thế nào để vừa phát triển kinh tế, và đảm bảo phát triển bền vững, phát triển sạch. Do vậy, Việt Nam và Thụy Điển có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển bền vững cùng nhau, hướng tới một xã hội không phát thải”, bà Ann Linde nói.

Tại diễn đàn, các DN Thụy Điển đã chia sẻ về các chủ đề giao thông công cộng, giao thông thông minh, nhu cầu năng lượng bền vững, các giải pháp sản xuất đổi mới sáng tạo để hình thành Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu, và làm thế nào để đầu tư vào giáo dục, đào tạo…

Hiện nay tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, dự kiến có khoảng 52 triệu người sống ở các thành phố Việt Nam vào năm 2025, trong khi năm 2009 chỉ có 25 triệu người. Việc gia tăng dân số ở các thành thị cũng làm gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, di chuyển thường xuyên hơn và tăng tiêu dùng hàng hóa. Vì vậy, các giải pháp về giao thông là rất quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.

Tính đến năm 2014, khoảng 33% trong tổng số 90 triệu người Việt Nam sống ở khu vực đô thị, dự kiến con số này tăng lên 50% đến năm 2025. Dân số đô thị càng tăng khiến nhu cầu cho các giải pháp đổi mới và sáng tạo về giao thông công cộng cũng tăng cao. Việc giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đang là vấn đề cấp bách.

Bởi số người chết do tai nạn giao thông tại Việt Nam hàng năm khá lớn. Qua việc mở rộng hệ thống giao thông công cộng và hoạch định thành phố đồng bộ, con số này có thể giảm thiểu đáng kể.

Trước sự gia tăng không ngừng của nền kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng cũng được dự báo tăng xấp xỉ 12%/năm trong những năm tới. Theo các chuyên gia Thụy Điển, Việt Nam cần tạo dựng nguồn cung cấp năng lượng và đảm bảo nguồn năng lượng đó được phân phối hiệu quả đến người tiêu dùng. Hơn hết, nguồn năng lượng nên là năng lượng sạch và bền vững để tránh tổn hại đến môi trường và sức khỏe con người.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến sự phát triển vừa năng động nhưng vừa phải bền vững. Những vấn đề như phát triển giao thông đô thị, cơ sở hạ tầng, năng lượng bền vững, đổi mới phương pháp sản xuất, sáng tạo... để đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất toàn cầu cũng như đầu tư giáo dục để đảm bảo nguồn nhân lực.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều