Xuất khẩu lao động: Tín hiệu vui từ thị trường mới

09:00 | 25/09/2019

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong những năm gần đây số lượng người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh. Bên cạnh thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì chiều hướng gia tăng số lượng lao động ở một số thị trường mới là dấu hiệu tích cực về những chính sách của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng lao động.

Tháo rào cản xuất khẩu lao động
Vay vốn để xuất khẩu lao động, cần lưu ý gì?
Thận trọng với xuất khẩu lao động

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tổng hợp số liệu báo cáo cho thấy, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 8/2019 là 11.699 lao động (4.430 lao động nữ), bằng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 91.663 lao động (30.734 lao động nữ) đạt 76,38% kế hoạch năm 2019. Trong đó thị trường: Nhật Bản 45.622 lao động, Đài Loan 36.825 lao động, Hàn Quốc 5.536 lao động, Rumania 1.103 lao động, Malaysia 304 lao động... Với chiều hướng gia tăng mạnh như vậy thì mục tiêu đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mà Bộ LĐ-TB&XH đặt ra cho năm 2019 sẽ dễ dàng vượt qua.

xuat khau lao dong tin hieu vui tu thi truong moi
Ảnh minh họa

Có thể thấy, việc giữ vững được một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… khẳng định các chính sách về xuất khẩu lao động đang đạt hiệu quả cao. Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2018 lao động đi làm việc ở Nhật Bản là đông nhất với 68.737 người, chiếm gần 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng 8 tháng đầu năm 2019 số lao động làm việc tại Nhật Bản cũng lên tới 45.622 lao động.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường lớn nhất là Nhật Bản luôn thu hút lượng lớn lao động Việt Nam bởi các chính sách nới lỏng và cho thu nhập cao. Theo Luật Quản lý xuất nhập cảnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua, bắt đầu từ tháng 4/2019, Nhật Bản tiếp nhận ít nhất 345.000 lao động nước ngoài ở các ngành, nghề mà Việt Nam có thế mạnh, như nông nghiệp, điều dưỡng, chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, đánh cá, chế tạo máy... Không những thế giữa Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên có những chương trình ký kết hợp tác lao động về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hiện nay, Đài Loan vẫn đang là thị trường trọng điểm có số lượng người đi xuất khẩu lao động lớn. Theo mặt bằng chung thì mức lương trung bình của lao động làm việc tại Đài Loan năm 2019 thấp hơn mức lương trung bình của lao động tại một số nước như: Nhật Bản, Singapore… nhưng nếu làm việc trong các cơ sở tốt, có thể tăng ca, làm thêm thì mức thu nhập cũng tương đương với các thị trường kể trên. Chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài tại thị trường Đài Loan thời gian qua cũng cởi mở hơn. Hiện nay, Luật Dịch vụ việc làm (sửa đổi) của Đài Loan cho phép lao động nước ngoài gia hạn hợp đồng tại chỗ với thời gian có thể kéo dài tới 12 năm. So với các thị trường khác thì Đài Loan dễ đi hơn rất nhiều nên rất nhiều DN đã đẩy mạnh số lượng tuyển dụng.

Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, từ đầu năm đến nay, ngoài việc giữ vững được một số thị trường truyền thống, thì nhiều DN đã chủ động tìm kiếm, xúc tiến đàm phán về hợp tác lao động với một số thị trường mới như Đức, Thái Lan, Israel, Kuwait, Romania và Bulgaria...

Từ năm 2018, CHLB Đức đã cam kết tăng số lượng tuyển chọn đối với cả 2 ngành là điều dưỡng viên và chăm sóc người già với chỉ tiêu lên đến 400 người/năm, điều này mở ra triển vọng rất lớn đối với lao động Việt Nam. Hiện chúng ta đang thực hiện Thỏa thuận hợp tác Dự án “Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức” giai đoạn 2019-2022 giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Trung tâm giới thiệu việc làm và nhân lực nước ngoài (ZAV) thuộc Cơ quan Lao động Liên bang Đức (BA) về việc tuyển chọn, đào tạo, đưa ứng viên Việt Nam đi học tập và làm việc tại CHLB Đức trong ngành điều dưỡng đa khoa.

Mục tiêu của dự án là đào tạo cho ứng viên điều dưỡng Việt Nam có đủ điều kiện nhập cư lao động vào Đức làm việc trong lĩnh vực y tế một cách minh bạch, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho ứng viên Việt Nam và góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị, cùng có lợi giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Thời gian qua, việc mở rộng các thị trường mới cũng là mục tiêu mà Bộ LĐ-TB&XH hướng tới. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với Bulgaria và Rumani. Đây là 2 thị trường được các DN đánh giá là tiềm năng và phù hợp đối với lao động Việt Nam.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều