Xuất khẩu tôm khả quan nhờ hưởng lợi thuế

11:06 | 18/04/2019

Các DN nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm cần tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị, coi đây là yếu tố sống còn để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp ngành tôm chịu áp lực cạnh tranh

Theo thông tin CTCP Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta), trong năm 2018 công ty chế biến được 22.337 tấn tôm thành phẩm và xuất bán 18.176 tấn đi các nước. Với kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu thuần cả năm của Sao Ta đạt 3.807 tỷ đồng, tăng 8,83% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 108,5 tỷ đồng, tăng trước 62,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

xuat khau tom kha quan nho huong loi thue
Ngành tôm đạt sản lượng 780.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4,2 tỷ USD

Bước qua năm 2019, ban lãnh đạo công ty nhận định tình hình cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, hiện các nhà máy chế biến quy mô lớn của công ty đang trong quá trình hoàn thành, cùng với nguồn cầu đang có chuyển biến tốt, chính vì vậy, Sao Ta dự kiến sản lượng tôm chế biến năm 2019 đạt 18.500 tấn, sản lượng tôm tiêu thụ khoảng 16.000 tấn; doanh số tiêu thụ chung của công ty ước đạt 185 triệu USD, lợi nhuận trước thuế khoảng 180 tỷ đồng...

Trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của công ty, con tôm luôn đóng vai trò quan trọng, đây là một trong những DN đã thoát điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm vào thị trường Mỹ. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức thông báo kết quả sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 – POR13, khẳng định các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của CTCP thực phẩm Sao Ta và Công ty Hải sản Nha Trang không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018. Do đó, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty trên là 0%. Vì đây là hai bị đơn bắt buộc trong đợt POR13 nên 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên cũng được hưởng mức thuế 0%.

Một số chuyên gia ngành thủy sản cho biết, theo thông lệ trong khoảng thời gian cuối quý I hoặc đầu quý II, DOC sẽ đưa ra kết quả rà soát sơ bộ. Sau đó đến cuối quý III, cơ quan này sẽ đưa ra kết quả cuối cùng. Mặc dù kết quả mà các DN vừa qua nhận được chưa phải là cuối cùng, nhưng rõ ràng đây là tin vui cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và các DN xuất khẩu tôm nói riêng, bởi điều này chứng tỏ các DN Việt Nam đã cung cấp số liệu đầy đủ, xác thực tới Bộ Thương mại Mỹ.

Trong năm qua, ngành tôm Việt Nam đạt sản lượng 780.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4,2 tỷ USD. Trong đó, sản lượng tôm nuôi nước lợ năm 2018 đạt trên 762.000 tấn (tăng 6,3% so với năm 2017), sản lượng tôm sú đạt 298.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 464.000 tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,2 tỷ USD trong năm 2019. Đồng thời, sẽ duy trì diện tích nuôi hiện có, sản lượng đạt 780.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 300.000 tấn và 480.000 tấn tôm thẻ.

Để đạt mục tiêu này, các DN nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm cần tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị, coi đây là yếu tố sống còn để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Riêng đối với các DN xuất khẩu, cần quan tâm hơn nữa đến chế biến sâu, tận dụng tối đa công suất của các nhà máy hiện có để tạo ra sản phẩm tôm có giá trị gia tăng cao, đa dạng, phù hợp với người tiêu dùng; tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm, củng cố thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới.

Ngành tôm Việt Nam hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa làm chủ công nghệ chọn tạo để chủ động cung ứng giống, mỗi năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% tôm giống bố mẹ. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn cao hơn các nước khác, do giá thức ăn nuôi tôm cao và chiếm khoảng 65-70% trong giá thành sản xuất. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

Phương Nam

Tin đọc nhiều