Xuất khẩu tôm lao đao vì thiếu nguyên liệu

08:55 | 25/08/2016

Mới đây, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng trong nước, nêu rõ tình trạng các DN xuất khẩu chỉ thu mua được khoảng 40% nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. 

Vực dậy ngành tôm
Hợp tác công – tư với ngành tôm

Ông Nguyễn Văn Giang, nông dân nuôi tôm ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, nhiều vựa nuôi tôm trên địa bàn không có đủ nguồn hàng để cung ứng cho các nhà máy, DN chế biến xuất khẩu thủy sản. Nguyên nhân chính do thời tiết nắng nóng, hạn mặn dẫn đến tôm nuôi bị chết nhiều, nên không ít người nuôi chọn giải pháp “treo ao” thay vì xuống giống.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, mặc dù giá tôm đã tăng so với thời điểm trước, nhưng hiện toàn tỉnh nông dân mới chỉ xuống giống, thả nuôi trên khoảng 1/3 diện tích ao, đầm nuôi tôm công nghiệp khiến cho lượng tôm nguyên liệu cung cấp ra thị trường càng trở nên khan hiếm hơn.

xuat khau tom lao dao vi thieu nguyen lieu
Nền sản xuất trong nước sẽ khó tránh khỏi bị phụ thuộc nếu chỉ dựa chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất gia công

Không riêng gì Cà Mau, một số tỉnh thành ĐBSCL khác như An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... cũng diễn ra tình trạng tương tự. Điều đáng nói, một số chủ vựa nuôi tôm còn cho biết thêm, ngoài những khó khăn khách quan do khí hậu, xâm nhập mặn gây ra, người nuôi tôm đang phải gồng mình gánh thêm một trở ngại nữa, đó là giá thức ăn cho tôm tăng cao khiến lợi nhuận thu về bị sụt giảm theo.

Đại diện một DN chuyên cung ứng thức ăn cho thủy hải sản cho hay, sở dĩ có tình trạng này là do gần đây, nguồn thức ăn chính cho tôm (trứng artemia) mới bị áp thuế nhập khẩu 5% thay vì 0% như trước. Nhìn nhận về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, đây là một vòng tròn, chuỗi sản xuất, cung ứng liên hoàn và có tác động dây chuyền, khi một mắt xích thay đổi, tất cả sẽ thay đổi theo.

Việc nguồn thức ăn nhập khẩu cho tôm tăng giá, cộng thêm điều kiện nuôi trồng khó khăn dẫn đến giá tôm nguyên liệu cao và nguồn hàng khan hiếm. Điều này khiến cho các DN chế biến xuất khẩu cũng lao đao theo vì thiếu nguồn nguyên liệu, giá thành đầu vào tăng cao, dẫn đến sản xuất cầm chừng, lợi nhuận sụt giảm.

Phó tổng giám đốc một nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại TP. Bạc Liêu cho biết, từ đầu năm đến nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, khoảng 60 - 70% công suất và buộc phải cho gần 100 công nhân nghỉ việc vì thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất.

Hơn nữa, kế hoạch lợi nhuận của DN trong năm 2016 có khả năng không đạt được bởi giá thu mua nguyên liệu đầu vào ở thời điểm hiện tại cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trước mối lo này của các DN, bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Vasep. Pro chia sẻ, tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất đã diễn ra trong suốt thời gian qua, tuy nhiên năm nay tình trạng trở nên trầm trọng hơn bởi nhiều nguyên nhân, khiến DN chế biến xuất khẩu lao đao.

Mặc dù, một số DN đã chủ động lên phương án nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan... nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Hơn nữa, về lâu dài, nền sản xuất trong nước sẽ khó tránh khỏi bị phụ thuộc nếu chỉ dựa chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất gia công.

Mới đây, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng trong nước, nêu rõ tình trạng các DN xuất khẩu chỉ thu mua được khoảng 40% nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu xuất khẩu chung trong năm 2016 mà ngành thủy sản đặt ra là hơn 7 tỷ USD, trong đó tôm là một trong những mặt hàng đóng góp và chiếm tỷ trọng cao.

Cụ thể, riêng mặt hàng tôm năm nay dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 3,3 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 4,8%, với kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng với tốc độ 12%/năm là khó khả thi.

Trước vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm năm 2016, trong đó chú trọng xây dựng phòng chống, kiểm soát dịch bệnh ở tôm, mở rộng diện tích nuôi trồng, ứng dụng thâm canh, nuôi tôm sinh thái kiểm tra đối với các khâu thu mua, chế biến, phát hiện và xử lý các hành vi đưa tạp chất vào tôm, thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường.

Ngoài ra, bộ cũng đề xuất với Chính phủ triển khai một số biện pháp, chính sách tín dụng phù hợp cho DN chế biến xuất khẩu, người nuôi tôm khó khăn về vốn để phát triển sản xuất... Hy vọng, với những nỗ lực và triển khai biện pháp đồng bộ, con tôm và DN xuất khẩu tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung sẽ nhanh chóng cải thiện được tình hình để tăng tốc và đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Minh Anh

Tin đọc nhiều