Món nợ lớn với DN của Chính phủ | |
Vẫn còn tình trạng “trên thảm, dưới đinh” |
Với các Nghị quyết 19 nối tiếp nhau ra đời từ năm 2015 đến nay, dù một số bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực và có những sáng kiến trong triển khai thực hiện nhưng vẫn còn khá nhiều vướng mắc của DN đã được phản ánh, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể để xử lý nhưng vẫn chưa được các bộ, ngành có liên quan thực hiện.
Quyết liệt cải cách quản lý và kiểm tra chuyên ngành để giúp giảm chi phí và thời gian cho DN |
Điều này khiến DN nản lòng, giảm dần niềm tin và sự kỳ vọng vào những thay đổi cải cách từ các bộ, ngành, ảnh hưởng tới tính hiệu lực, hiệu quả của các chỉ đạo của Chính phủ. Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 19, kết quả nổi lên là “nhìn chung đa số các bộ chưa thực hiện”.
Đơn cử Nghị quyết 19/2015 đặt mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về quản lý đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm thì khi tổng kết lại, đa số các bộ chưa thực hiện. Chỉ ở một số bộ và một số lĩnh vực cụ thể có sự chuyển động như Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) áp dụng hải quan điện tử; Bộ NN&PTNT đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện kiểm dịch thực vật; Bộ Công Thương bãi bỏ kiểm tra formaldehyte đối với sản phẩm dệt may...
Hay yêu cầu rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành (QLCN) thì các bộ đã ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện QLCN của các bộ, nhưng chưa thống nhất trong quy định về phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và đáng chú ý là danh mục ấy có xu hướng ngày càng mở rộng và nhiều lên thay vì giảm đi.
Trong khi đó, yêu cầu về hướng dẫn việc công nhận chứng nhận kiểm tra của những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận thì các bộ vẫn “dậm chân và mần thinh”.
Mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 19/2016 là phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, KTCN, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hóa thủ tục quản lý, KTCN; đến hết năm 2016 phải giảm được tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15%. Nhưng “các bộ chưa triển khai gì” và tỷ lệ hàng nhập khẩu phải KTCN vẫn nguyên mức 30-35%.
Nghị quyết 19/2017 đặt ra hàng loạt các mục tiêu và yêu cầu cụ thể, nhưng khi rà soát lại thấy đa số là “chưa thực hiện”. Nghị quyết yêu cầu trong quý I/2017, các bộ phải ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng KTCN theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra và chuyển mạnh sang hậu kiểm, minh bạch về cách tính chi phí, đối tượng trả phí và chuyển dần sang áp dụng cơ chế giá... nhưng “vẫn bị ngó lơ”, vẫn chưa được thực hiện. Trong khi KTCN đang gây bức xúc cho DN và phí thì ngày càng cao, đang tạo gánh nặng cho DN, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh.
Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện cải cách quản lý, KTCN, đã đến lúc các bộ, trực tiếp là các bộ trưởng cần xem việc thực hiện Nghị quyết 19 là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về QLCN theo yêu cầu của Nghị quyết 19.
Trong đó, cần thay đổi căn bản phương thức quản lý, KTCN (áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN; chuyển sang hậu kiểm), minh bạch hóa việc quản lý, KTCN, hiện đại hoá thủ tục quản lý, KTCN và tiến tới áp dụng thông lệ quốc tế; Cần tách bạch cơ quan soạn thảo, ban hành các quy định về quản lý, KTCN với đơn vị thực hiện các quy định liên quan và tiến tới thống nhất một đơn vị thực hiện KTCN để chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, KTCN của nhiều cơ quan khác nhau;
Cần tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch để nhiều tổ chức được tham gia thực hiện hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận để xóa bỏ vị thế độc quyền của một số tổ chức được các Bộ QLCN chỉ định như hiện nay.
Theo kết quả rà soát (đến tháng 4/2017) của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện có đến 414 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý, KTCN trong đó riêng các thông tư liên tịch và thông tư do các bộ ban hành chiếm tới 2/3. Hiện có khoảng 100 nghìn mặt hàng phải KTCN và tính toán sơ bộ cho thấy, để thực hiện các quy định, thủ tục về QLCN, mỗi năm các DN phải bỏ ra khoảng 30 triệu ngày công và khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng. |
Hồng Quân