Ảnh minh họa |
Trong hơn 52,7 triệu lao động có việc làm hiện nay, tổng số người làm việc tại các DNNN, DN ngoài Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài cộng lại chỉ ở mức gần 12 triệu, chiếm khoảng 22%. Như vậy, số lượng lao động làm việc tại khu vực phi chính thức, trong đó chủ yếu làm việc tại khu vực nông nghiệp nông thôn, vẫn là một con số rất lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng lao động làm việc tại các ngành nông - lâm - thủy sản vào năm 2014 là hơn 24,4 triệu người, chiếm tới 46,3% tổng số người đang có việc làm trên cả nước. Nhưng đáng nói hơn là con số này gần như không thay đổi so với con số của năm 2010.
Trong khi các ngành công nghiệp và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng từ 6 - 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của ngành nông - lâm - thủy sản lại chỉ bằng một nửa, từ 3 - 4%/năm. Vì vậy, khi số lượng người làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản không giảm, cuộc sống của người nông dân sẽ ngày càng tụt hậu so với những lao động khác trong xã hội.
Chúng ta có thể làm một phép so sánh đơn giản. Vào năm 2014, mặc dù tỷ trọng số người có việc làm tại các ngành nông - lâm - thuỷ sản là 46,3%, nhưng tỷ trọng của khu vực này trong GDP chỉ là 18,1%. Trong khi đó, các khu vực còn lại có tỷ trọng trong lực lượng lao động là 53,7%, nhưng lại sản xuất ra 81,9% GDP.
Không khó để thấy rằng, thu nhập của người nông dân chỉ bằng khoảng 1/4 so với thu nhập trung bình của những người còn lại. Như vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải kéo người nông dân ra khỏi khu vực nông nghiệp với năng suất thấp và thu nhập thấp. Vậy ai sẽ làm điều này?
Động lực chính sẽ là các DN. Lịch sử phát triển kinh tế của các nước trên thế giới cho thấy, trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, chỉ có phát triển mạnh các ngành thâm dụng lao động và hướng về xuất khẩu như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, công nghiệp chế biến… mới có thể giải quyết được vấn đề việc làm cho người nông dân, đồng thời tăng năng suất và thu nhập của người lao động tại khu vực nông nghiệp.
Với số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất lớn như hiện nay, chúng ta vẫn rất cần những ngành thâm dụng lao động như những cỗ máy tạo việc làm hiệu quả, để duy trì sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội cho đất nước.
Lao động giá rẻ, do đó, sẽ vẫn là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trong nhiều năm tới. Vì thế, để phát triển những ngành gia công này, các chính sách làm tăng chi phí lao động như chính sách tiền lương tối thiểu vùng cần được cân nhắc liều lượng một cách thận trọng, kỹ lưỡng.
Việc tăng lương tối thiểu để người lao động có được mức sống tối thiểu là việc cần thiết và phải làm. Nhưng chúng ta không được quên rằng, mặc dù mức lương tối thiểu hiện nay có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động, vẫn đang có hàng triệu nông dân trên các vùng quê của cả nước mong muốn có việc làm trong khu vực DN để được nhận mức lương này. Và việc tăng lương tối thiểu quá cao, không thực tế, sẽ lấy mất đi cơ hội thoát nghèo của họ.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI