ATM không phí tất yếu lan tỏa

09:11 | 08/05/2019

Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) lần thứ hai trong năm nay thực hiện điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển mạch đối với các tổ chức thành viên là các TCTD sở hữu mạng lưới chấp nhận thanh toán. 

Triển khai Chỉ thị 01/CT-NHNN: Nhiều đơn vị giảm giá sản phẩm, dịch vụ
NAPAS tiếp tục thực hiện miễn và giảm phí dịch vụ chuyển mạch cho ngân hàng
“Chip hoá” để hạn chế rủi ro
atm khong phi tat yeu lan toa
Ảnh minh họa

Theo đó, trong lần giảm phí cuối tháng 4 vừa qua Napas áp dụng giảm 100% phí dịch vụ chuyển mạch (mức thu bằng 0 đồng) đối với 48 NHTM thành viên. Việc giảm phí tối đa 100% của Napas được thực hiện sớm hơn 2 năm so với lộ trình đặt ra ban đầu của đơn vị này trong việc hỗ trợ giảm phí giao dịch liên mạng giữa các NHTM.

Đây là động thái tích cực và có thể nói gần như là bắt buộc của cả Napas và các NHTM thành viên bởi đến hiện tại, mặc dù việc miễn giảm các loại phí dịch vụ ở các nhà băng được đánh giá là đi ngược với xu hướng tăng phí đã diễn ra trong năm 2018 và có thể ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của từng đơn vị nhưng lại là một xu hướng mới gần như tất yếu đối với thị trường thanh toán ngân hàng trong giai đoạn công nghệ thanh toán đang bùng nổ với nhiều thành phần tham gia thị trường, đặc biệt là các fintech và các DN viễn thông.

Trong chiến lược cạnh tranh khách hàng, nếu phí dịch vụ không giảm đều đã được xem là “lợi bất cập hại” bởi không chỉ với khách hàng mà còn đối với cả Napas và các NHTM. Bởi khách hàng hiện đang có nhiều sự lựa chọn hơn từ các kênh thanh toán không dùng tiền mặt khác ngoài ngân hàng.

Mức tăng trưởng 161% của giá trị giao dịch thanh toán qua các ví điện tử trong năm 2018 đang cạnh tranh rất lớn với hệ thống thanh toán truyền thống mặc dù tổng nguồn tiền từ nhà cung ứng ví các công ty trung gian thanh toán vẫn đang thay người tiêu dùng ví điện tử nộp thay cho ngân hàng.

Với đà phát triển của công nghệ thanh toán, dù Napas và các NHTM không để ý nhiều đến lợi ích có thể thu được từ việc “giam lỏng” lượng tiền gửi không kỳ hạn thì cũng buộc phải giảm các phí loại dịch vụ để giữ chân khách hàng. Bởi đến hiện tại, dù những đề xuất của các doanh nghiệp viễn thông như Vietel, VNPT đối với hoạt động tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt nhưng rất có thể vài năm tới làn sóng MobiMoney sẽ được thị trường mở rộng.

Khi đó, có thể những hình thức “bắn tiền” từ các tài khoản viễn thông như Vinaphone, MobiFone, Viettel… có thể được thực hiện. Các ví điện tử khác nhau có thể chuyển tiền qua lại dễ dàng thay vì phải liên thông với hệ thống tài khoản của các NHTM với nhiều công đoạn và mất nhiều chi phí.

Trên thực tế, trong suốt nhiều năm trước đây việc phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến và kết nối hệ thống ATM tại Việt Nam đã trải qua giai đoạn “cát cứ” khá trì trệ của các liên minh thẻ như Banknetvn và VNBC. Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự hậu thuẫn lớn từ không gian số và sự phát triển nhanh của các ứng dụng thanh toán và các nền tảng kinh tế chia sẻ, đến hiện nay những đề xuất mang tính cách mạng cho hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã được đặt ra.

Những kiến nghị về cơ chế nộp tiền mặt trực tiếp vào ví điện tử, một số công ty đã bắt đầu gõ cửa Bộ Công thương xin cơ chế hoạt động cho vay ngang hàng theo một hình thức khác không phải trực tiếp bằng tiền tệ, hoặc quy định thanh toán các món nhỏ bằng thông qua tài khoản viễn thông… cũng đã được đề xuất luật hóa.

Hiện NHNN cũng đang tập trung nghiên cứu một đề án tổng thể, bao trùm về các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, dự kiến sẽ công bố cuối quý II/2019 hoặc đầu quý III tới đây. Chính vì vậy, ngay trong thời điểm này để cạnh tranh trên thị trường thanh toán, dư địa để các NHTM và Napas giữ lại các mức phí dịch vụ thiếu cạnh tranh là không còn nữa. Và xu hướng “ATM 0 đồng” có thể sẽ là xu hướng tất yếu để các TCTD cạnh tranh trong thời gian tới.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều