Người tiêu dùng hưởng lợi khi chính sách chuyển mình

Bài 1: Lập sàn giao dịch CIC: Kiến tạo một luật chơi mới cho vay tiêu dùng

09:49 | 04/07/2019

Thị trường bán lẻ tiêu dùng Việt Nam được đánh giá sôi động và hấp dẫn hơn khi niềm tin của người tiêu dùng đang tăng cao. Xu hướng bán lẻ tích hợp với công nghệ cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ của cơ quan quản lý, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) linh hoạt trở thành một làn sóng mới thúc đẩy toàn ngành tài chính tăng trưởng.

Kết nối đa chiều thông tin khách hàng vay vốn
Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC): Người tạo lập “chợ tín dụng”
bai 1 lap san giao dich cic kien tao mot luat choi moi cho vay tieu dung
Sự phát triển của công nghệ giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhanh chóng, thuận tiện

Đa dạng loại hình bán lẻ

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ chia sẻ, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đang thay đổi nhanh khiến các DN bán lẻ phải nhanh nhạy trong ý tưởng phát triển kinh doanh, cũng như hình thức kinh doanh. Nếu phân tích sâu có thể thấy sự phát triển của công nghệ tuy giúp người tiêu dùng có thể vay vốn trực tuyến, phương thức tiếp cận sản phẩm nhanh chóng nhưng khi gặp trục trặc về hồ sơ giấy tờ vẫn phải tìm đến ngân hàng để kiểm tra thông tin một cách thụ động. Tổ chức cho vay cũng phải làm mọi thủ tục truyền thống để giúp bên vay có thể tiếp cận được sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp.

Bởi vậy, giới chuyên môn nhận định, mô hình bán lẻ theo hình thức mới sẽ trở nên hoàn hảo nếu có sự hỗ trợ từ một phía thứ 3 – đó là cơ quan quản lý. Điều này, các tổ chức tài chính bán lẻ đã nhận ra và đang dần áp dụng. Chẳng hạn như đối với ngân hàng, ngoài việc chọn đầu tư công nghệ để người vay có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ; còn tối giản mọi điều kiện mở thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng thông thoáng, tích hợp nhiều dịch vụ hỗ trợ khách hàng.

Tại các ngân hàng như Sacombank, SCB, Vietcombank, Nam A Bank, ACB, TPBank… liên kết với tất cả các loại hình, từ siêu thị đến giải trí, ẩm thực, du lịch tập trung tại một điểm nên tạo sự thuận tiện hơn cho người tiêu dùng. Theo đó, chỉ cần có trong tay thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ, đều có thể sử dụng được nhiều dịch vụ, từ đó đón nhiều khách hàng hơn.

Không kém cạnh, các công ty tài chính (CTTC) cũng cho thấy sự chuyển mình rõ rệt khi liên tục đưa ra các mô hình kinh doanh mới. Chẳng hạn, FE Credit không dừng lại ở việc cho vay nhanh gọn, mà còn áp dụng cho vay tự động qua ứng dụng điện thoại $NAP, đã được tạo ra bằng cách tích hợp thông qua API (Application Programming Interface: giao diện lập trình ứng dụng) một loạt các công nghệ kỹ thuật số và giải pháp fintech dựa trên quy trình làm việc linh động. Nền tảng này kết hợp công nghệ mới vào quy trình cho vay truyền thống và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xác minh khách hàng, thẩm định, pháp chế hoặc dịch vụ khách hàng.

Nền tảng này số hóa toàn bộ hành trình của khách hàng, từ lúc đăng ký vay đến nhận tiền giải ngân qua ngân hàng, hoặc nhận tiền mặt tại các điểm chi hộ và cho phép khách hàng quản lý khoản vay cho đến khi hoàn tất thanh lý hợp đồng hoàn toàn trên thiết bị di động.

Với việc số hóa, $NAP đã loại bỏ được hoàn toàn sự can thiệp của con người ở tất cả mọi bước trong hành trình khách hàng, thay vì chỉ dừng lại ở bước đăng ký vay như các ứng dụng khác. Nhìn chung, với công nghệ mới, các CTTC đang cho phép người vay đăng ký vay, được duyệt vay và giải ngân chỉ trong vòng 24 giờ.

CIC trở thành sàn giao dịch kết nối tài chính

Nhìn chung, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn với công nghệ, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt của ngành bán lẻ. Mọi sự cố gắng và thay đổi của các tổ chức tài chính đang là yếu tố làm thay đổi bộ mặt của nền bán lẻ trong nước. Cùng với sự chuyển mình của các TCTD, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) mới đây cũng tạo nên bước đột phá mới giúp cho việc cho vay tiêu dùng trở nên hoàn hảo bằng cách thành lập “Cổng thông tin kết nối khách hàng vay”. Và khi có sự giúp sức của CIC, người tiêu dùng tiếp tục là đối tượng được hưởng lợi nhất.

Cụ thể, theo lãnh đạo CIC, xu hướng vay nhanh chóng không cần suy nghĩ ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chuyển từ thế “thụ động” sang thế “chủ động”. Nói một cách dễ hiểu, trong môi trường đầy rẫy sản phẩm vay tiêu dùng, người tiêu dùng hiện nay có quyền lựa chọn sản phẩm tốt nhất, ưu việt nhất để đăng ký vay vốn thay vì phải “xin vay” như trước đây. Mà để làm được điều này, người vay chỉ cần tìm hiểu và đăng ký vay vốn thông qua cổng thông tin kết nối khách hàng vay, qua đó có thể tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Thực tế, sự giúp sức của CIC đang mở ra một kênh mới đầy hấp dẫn, minh bạch và vô cùng cần thiết cho người tiêu dùng. Bởi đây là cổng thông tin được nâng cấp toàn diện với nhiều tiện ích kết nối TCTD với khách hàng vay. Thông qua cổng thông tin này, khách hàng vay có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng và đăng ký nhu cầu vay vốn tại TCTD phù hợp, tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian khi sử dụng dịch vụ ngân hàng và tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Nói như một khách hàng đã sử dụng dịch vụ Cổng thông tin để vay vốn thì trải nghiệm này mang lại rất nhiều tiện ích. Cụ thể, anh Phương (vay vốn tại BIDV) nói rằng, anh có thể khai thác báo cáo thông tin tín dụng và điểm tín dụng miễn phí của bản thân, từ đó giúp anh giám sát được các thông tin và mức độ tín nhiệm của mình, hỗ trợ tôi kịp thời phát hiện thông tin sai sót hoặc gian lận nếu có. Ngoài ra, nhờ Cổng thông tin này mà anh cũng dễ dàng tìm hiểu các gói tín dụng và đăng ký vay vốn trực tuyến tại TCTD phù hợp với nhu cầu tài chính qua website hoặc ứng dụng trên nền tảng Android và IOS.

Như vậy, so với cách truyền thống, khách hàng vay phải tới trụ sở CIC hoặc gửi yêu cầu qua đường thư để tra cứu báo cáo tín dụng bản thân hoặc phải tự tìm hiểu thông tin, tự giao dịch với các ngân hàng để đề nghị cấp tín dụng, thì thông qua Cổng thông tin, khách hàng vay tới đây có thể thực hiện trực tuyến được các nhu cầu trên, một cách rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu… từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và thúc đẩy quá trình tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Thừa nhận điều này, ông Đỗ Hoàng Phong - Tổng giám đốc CIC cho biết, Cổng thông tin kết nối khách hàng vay còn nhằm mục tiêu cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng.

Theo đó, khách hàng vay được khai thác thông tin tín dụng và điểm tín dụng miễn phí về bản thân, giám sát được các thông tin và mức độ tín nhiệm của mình, phòng tránh gian lận và được CIC tư vấn cải thiện điểm tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng tại các TCTD.

Các TCTD tham gia Cổng thông tin được giới thiệu các gói tín dụng, chính sách ưu đãi để khách hàng vay lựa chọn; thực hiện kết nối, tiếp cận với các khách hàng vay có nhu cầu, giảm thiểu thời gian, chi phí tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các TCTD và khách hàng vay…

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều