Bài 2: Để trở thành người vay thông minh nhất

11:11 | 11/07/2019

Khi CIC tham gia vào sân chơi cho vay tiêu dùng một cách trực tiếp thì mọi hạn chế liên quan đến cho vay tiêu dùng, rủi ro tín dụng, dư nợ xấu, điểm tín dụng thấp… nhanh chóng trở thành câu chuyện của dĩ vãng.

Bài 1: Lập sàn giao dịch CIC: Kiến tạo một luật chơi mới cho vay tiêu dùng
bai 2 de tro thanh nguoi vay thong minh nhat

Tận dụng lợi thế mới

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được xếp hạng thứ 32/190 về chỉ số tiếp cận tín dụng. Đây là xếp hạng khá cao trong khu vực và thế giới, đứng thứ 3 trong khu vực và ngang bằng với Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, câu chuyện nhiều người dân vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn chính thức từ ngân hàng và các TCTD khác vẫn còn hiện hữu là có thật. Do đó, các biện pháp nhằm gia tăng kết nối giữa người đi vay và các TCTD là rất quan trọng.

Ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển (CIC) cho biết, sự ra đời của Cổng thông tin kết nối khách hàng vay là một lợi ích vô cùng thiết thực đối với người tiêu dùng trong nước.

Trước hết, người tiêu dùng có thể tra cứu mọi thông tin tín dụng một cách miễn phí bởi CIC đang thực hiện nhiệm vụ chính trị do NHNN giao, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Cụ thể, CIC đang miễn phí hoàn toàn cho các TCTD trong đăng tải, quảng bá về các gói vay ưu việt cũng như việc tiếp cận danh mục khách hàng có nhu cầu vay vốn được đăng ký trên cổng thông tin. Ngược lại, các khách hàng vay cũng được miễn phí hoàn toàn trong việc đăng tải nhu cầu vay vốn hay khai thác báo cáo tín dụng, chấm điểm tín dụng qua cổng kết nối này.

Lợi thế tiếp theo mà người tiêu dùng được hưởng chính là việc cổng thông tin này đã có mặt trên website và ứng dụng điện thoại thông minh, qua đó giúp cho DN và cả người dân tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn với tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Quan trọng nhất là cổng thông tin kết nối này trở thành công cụ buộc các tổ chức cho vay tài chính hay bên đi vay đều phải minh bạch hoàn toàn, đưa hoạt động này đến mô hình công bằng và nề nếp hơn trong tương lai.

Nói như vậy vì trước đây, các ngân hàng thường đưa ra nhiều lý do để từ chối hồ sơ vay vốn của những cá nhân không đạt yêu cầu. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu hết được việc tại sao họ lại không đạt điều kiện vay, nên đành phải ngậm ngùi tìm vốn nơi khác. Ngày nay, khi cổng thông tin kết nối chính thức được đưa vào hoạt động thì mọi lý do sẽ được sáng tỏ, người tiêu dùng có thể tra cứu trực tiếp mọi thông tin về điểm tín dụng cá nhân của mình thông qua cổng thông tin.

Ngược lại, các tổ chức cho vay cũng bớt được một gánh nặng về rủi ro tín dụng, vì hoàn toàn có thể sử dụng trong mô hình để đánh giá điểm tín dụng miễn phí của các cá nhân khách hàng vay, bao gồm tất cả các dữ liệu về tình trạng quan hệ tín dụng của khách hàng như: độ tuổi khách hàng vay; số dư nợ và tình trạng dư nợ hiện tại (bao gồm cả dư nợ tín dụng và dư nợ thẻ); lịch sử trả nợ và lịch sử quan hệ tín dụng (bao gồm cả quan hệ tín dụng và quan hệ thẻ tín dụng), số TCTD đang có quan hệ tín dụng… qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay.

Trên thực tế, mỗi ngân hàng đều có hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ riêng với hệ thống các tiêu chí, thang điểm đánh giá khác nhau, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi đơn vị. Tuy nhiên, các báo cáo chấm điểm tín dụng của CIC với cơ sở dữ liệu đầy đủ, khách quan, vẫn là một kênh tham khảo quan trọng, tin cậy để các TCTD đối chiếu với hệ thống chấm điểm nội bộ.

Nhìn chung, khách hàng đạt điểm tín dụng tốt, sẽ có khả năng được phê duyệt tín dụng nhanh chóng, hạn mức cao, lãi suất ưu đãi hơn khách hàng có nợ xấu, điểm tín dụng thấp, các TCTD sẽ thẩm định kỹ hơn, điều kiện cấp tín dụng chặt chẽ hơn và lãi suất cũng cao hơn nhằm hạn chế rủi ro.

Sử dụng cổng như thế nào cho hiệu quả?

Suy cho cùng, CIC đã và đang tạo ra một bước đột phá mới trong thế giới bán lẻ tài chính, không chỉ giúp TCTD bán hàng hiệu quả, kiểm soát rủi ro tốt, mà còn giúp cho người tiêu dùng có thêm công cụ mới hòng vay vốn nhanh chóng hơn. Tuy nhiên làm thế nào để có thể tận dụng hiệu quả một sàn giao dịch cũng là điều mà giới chuyên môn cần người tiêu dùng lưu tâm.

Thí dụ, anh A có nhu cầu mở 1 thẻ tín dụng với hình thức tín chấp, để phục vụ cho nhu cầu mua sắm trực tuyến, đi du lịch nước ngoài. Theo cách làm truyền thống, anh A phải đề xuất được mở 1 thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu đồng. Nhưng nay, qua Cổng thông tin khách hàng vay của CIC, anh A chỉ cần đăng ký nhu cầu nêu trên của mình và cung cấp các thông tin về cá nhân mình (bao gồm CMND, số điện thoại, mức thu nhập…) và đã được kết nối, tư vấn và phê duyệt mở 1 thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu đồng tại một NHTMCP nào đó. Khi được NHTMCP trên phê duyệt và cấp thẻ theo nhu cầu của mình, anh A có quyền sử dụng thẻ để mua sắm và đồng ý trả phí, lãi cho ngân hàng đó theo quy định hiện hành của ngân hàng.

Với quy trình này, cả bên cho vay lẫn bên đi vay chỉ mất vài ngày là có thể giải quyết xong nhu cầu về vốn, vì mọi thông tin đã được CIC minh bạch trên Cổng thông tin. Tuy nhiên, giống như vay thế chấp ngân hàng, để có thể sử dụng vốn vay hiệu quả, mỗi người đi vay cần chắc chắn rằng, lịch sử tín dụng của mình tốt, không có nợ xấu trước đó. Có nghĩa là, người vay không thể vay bao nhiêu tùy ý, mà còn phải phụ thuộc vào lịch sử vay, thông tin tín dụng cá nhân, thu nhập bình quân, khả năng trả nợ và tùy từng thời điểm mà các tổ chức cho vay sẽ cấp hạn mức khác nhau.

Ví dụ: Giả sử người vay có tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng (trong đó bao gồm cả chuyển khoản và tiền mặt), thông thường, người vay sẽ được cấp hạn mức cho vay từ 10-20 triệu đồng mỗi tháng. Theo một chuyên gia tài chính, người vay cũng nên chấp nhận hạn mức vay theo tỷ lệ thấp hơn thu nhập để hạn chế rủi ro nợ không trả được. Điều này dựa theo nguyên tắc, bạn sử dụng tỷ lệ đòn bẩy càng cao thì rủi ro cũng tương ứng.

Tóm lại, việc dùng Cổng thông tin kết nối sẽ giúp gia tăng khả năng vay nợ nhanh chóng vì có rất nhiều ngân hàng tham gia vào cổng thông tin để tìm kiếm khách hàng. Nhưng ngược lại, cũng làm cho thông tin tín dụng của bạn phải minh bạch hơn rất nhiều lần, nó giống như con dao hai lưỡi, nếu bạn không biết quản lý tài chính tốt thì dù nợ 1 đồng cũng trở thành đối tượng bị các tổ chức cho vay tẩy chay ngay và luôn.

Do đó, Cổng thông tin kết nối là một công cụ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng, nhưng cũng là nơi buộc người tiêu dùng phải ý thức hơn trong hoạt động vay vốn của mình để sao cho dòng tín dụng được khơi thông một cách hiệu quả nhất.

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều