Cần quan tâm hạ tầng thương mại nông thôn

10:18 | 06/05/2015

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản.

can quan tam ha tang thuong mai nong thon
Thứ trưởng Bộ Công Thương
Trần Tuấn Anh

Sau chuyện dưa hấu ùn ứ ở cửa khẩu vì không xuất được, lại đến hàng nghìn tấn hành tím “dội chợ” do cửa xuất khẩu qua Indonesia gặp khó khăn. Bộ Công Thương nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Những nước nhập khẩu hành tím của chúng ta như Indonesia đang gặp phải một số vấn đề nội bộ và diễn biến thị trường có một số khó khăn. Điều đó đã cản trở việc xuất khẩu hành tím của chúng ta, tác động tới đời sống người nông dân. Trên thực tế, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết câu chuyện này.

Cụ thể, chúng ta đã làm việc với các đối tác Indonesia, Bộ Thương mại Indonesia để tiếp tục nêu vấn đề và đề nghị nước bạn thực hiện theo các tinh thần của các nước đối tác trong FTA. Chúng ta tiếp tục đề nghị các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu sâu hơn khuôn khổ hội nhập để bảo vệ lợi ích của Việt Nam theo đúng tinh thần WTO.

Trước mắt, do có những khó khăn trong tiêu thụ ở thị trường bên ngoài, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương, nhất là tại Sóc Trăng, tổ chức các biện pháp kết nối thị trường trong nước với khu vực sản xuất hành tím. Trên thực tế, Sở Công Thương tại các địa bàn liên quan đã kết nối với Sở Công Thương Sóc Trăng để có biện pháp cụ thể hỗ trợ người nông dân trong tiêu thụ hành tím. Bên cạnh đó, sự chia sẻ người dân trong xã hội cũng để lại những tình cảm đẹp trong sự đồng cảm.

Nhưng qua đây, chúng ta cũng thấy một điểm yếu là hệ thống phân phối nội địa tại các vùng nông thôn còn bất cập. Các chợ nông sản và chợ đầu mối còn chậm phát triển, chưa được quan tâm đúng mức. Trung ương đã có Nghị quyết 13 về xây dựng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng thương mại tại nông thôn, tuy nhiên các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Đây chính là điểm yếu làm cho kênh tiêu thụ, phân phối tại thị trường trong nước chưa góp phần tạo thành hệ thống phát triển bền vững để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Ông nhìn nhận thế nào về việc các chương trình thiện nguyện chia sẻ mua nông sản vừa qua đã góp phần đẩy giá lên, khi cả hệ thống thương mại chưa phát huy được hiệu quả kết nối cung cầu?

Tôi rất hoan nghênh sự chia sẻ và đồng cảm của các tổ chức, cá nhân đối với người nông dân vừa qua. Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện và phương tiện truyền thông rất có ý nghĩa. Tức là, xã hội chúng ta hiểu rõ những thách thức, áp lực đang đặt ra cho đất nước và nền kinh tế, cho người nông dân trong bối cảnh hội nhập. Rõ ràng, sự ủng hộ đó khiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước càng có ý thức về trách nhiệm của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chúng tôi thấy rõ thị trường nội địa còn cơ hội và tiềm năng rất lớn mà chúng ta cần tính toán để tổ chức lại. Bởi vì, chỉ mới bằng một số biện pháp mang tính tự phát của người dân và tổ chức thiện nguyện đã giải quyết được nhiều vấn đề cho người nông dân. Chính vì vậy, chúng tôi càng đồng cảm hơn nữa với những yêu cầu Chính phủ đặt ra cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Hành động cụ thể của Bộ Công Thương là gì, thưa ông?

Chúng tôi tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường ổn định để DN phát triển thị trường kết nối với người nông dân, thực hiện tốt các hoạt động đầu tư trong sản xuất chế biến phân phối và xuất khẩu… Bộ Công Thương xác định rõ trách nhiệm của mình, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi nhằm giúp cho các DN và người nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm theo hướng ổn định, bền vững.

Bộ Công Thương có trách nhiệm rất lớn tiếp tục tạo thuận lợi cho DN thâm nhập sâu vào các chuỗi giá trị và đặc biệt hướng vào các hoạt động đầu tư chế biến, đưa hàm lượng công nghệ vào nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng của người nông dân trong chuỗi giá trị đó.

Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện phát triển một cách đồng bộ gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiệm vụ trong thời gian tới tiếp tục đổi mới và ưu tiên cho các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu để giúp cho các sản phẩm của người nông dân có sự cạnh tranh mạnh hơn và hiệu quả hơn nữa trong thị trường quốc tế và nội địa, bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân và nền kinh tế của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Hà Sơn

Tin đọc nhiều