Cẩn trọng khi ký hợp đồng xuất khẩu

13:00 | 30/04/2019

VIAC khuyến cáo các DN khi đàm phán, ký kết nên tìm hiểu kỹ đối tác, cần thiết phải có luật sư hỗ trợ pháp lý để tránh những cạm bẫy xuất phát từ giao kết giữa các bên.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa tổ chức Hội thảo “Xuất nhập khẩu trong bối cảnh Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những lưu ý cho DN về hợp đồng kinh doanh quốc tế” nhằm chuẩn bị kỹ cho DN xuất khẩu trong bối cảnh Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực.

Dự đoán, với CPTPP, các nước sẽ tăng cường mở rộng hợp tác kinh doanh trên cơ sở tận dụng các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi lớn về thuế, điều này sẽ đem lại lợi ích cho nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam. CPTPP tạo động lực cải cách thể chế mạnh mẽ, thu hút đầu tư, xuất khẩu, giúp DN có thể tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh.

can trong khi ky hop dong xuat khau

Tuy nhiên, các chuyên gia về kinh tế và luật cũng cảnh báo cơ hội CPTPP đem đến rất lớn khi mở rộng thị trường xuất khẩu cho DN nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro trong giao kết hợp đồng kinh doanh quốc tế. Thật vậy, một số DN đã rất lo lắng vì không rõ tiềm lực thực sự của đối tác ra sao, lo sợ bị lừa đảo, khó xác minh thông tin đối tác…

Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc ITPC cho rằng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP quy định chặt chẽ ở hầu hết các lĩnh vực, do đó tác động của nó mạnh mẽ và toàn diện hơn nhiều so với các FTA thế hệ cũ. Nhiều cơ hội mở rộng thị trường cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ tham gia nhiều hơn các hoạt động thương mại quốc tế và đối mặt với những thử thách, rủi ro do khác biệt về ngôn ngữ, luật pháp, tập quán kinh doanh khi bước ra sân chơi lớn. “Do đó, DN cần cẩn trọng hơn khi đàm phán, thiết lập hợp đồng, hạn chế tối đa rủi ro về pháp lý và tìm ra phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất”, ông Hòa chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của VIAC, Singapore dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp liên quan đến các hợp đồng mua bán ngoại thương với 91 vụ, tiếp đến là Nhật Bản với 22 vụ. Tuy chưa có số liệu thống kê về tranh chấp của các nước khác trong CPTPP, nhưng việc phát sinh tranh chấp trong kinh doanh quốc tế là rất phổ biến. Theo thống kê của VIAC, thời gian qua đã có khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có phát sinh tranh chấp với Việt Nam liên quan đến các hợp đồng mua bán ngoại thương.

Trong khi đó, các luật sư cho rằng khi CPTPP chính thức có hiệu lực, các DN ở nhiều ngành hàng như: nông sản, gỗ, dệt may rất dễ phát sinh tranh chấp. Nguyên nhân là do DN thường chỉ quan tâm đến những vấn đề thương mại như: chất lượng, số lượng hàng hóa, thời gian giao nhận… mà bỏ quên các yếu tố pháp lý. Nguyên nhân tranh chấp chủ yếu là do chủ quan, không nhận thức rõ về hàng hóa, nhãn hiệu, nhượng quyền... Thậm chí, nhiều DN chỉ quan tâm và thuê luật sư khi có tranh chấp chứ không hề tồn tại ý nghĩ có luật sư từ quá trình đàm phán ký kết hợp đồng.

Từ thực tế đó, đại diện của VIAC khuyến cáo các DN khi đàm phán, ký kết nên tìm hiểu kỹ đối tác, cần thiết phải có luật sư hỗ trợ pháp lý để tránh những cạm bẫy xuất phát từ giao kết giữa các bên. Đồng thời, các luật sư đã hướng dẫn DN tìm đến Trung tâm Trọng tài thương mại để hạn chế tối đa những tổn thất, thiệt hại có thể xảy ra khi giao dịch.

Chỉ rõ điểm yếu của các DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV trong việc giao kết hợp đồng kinh doanh quốc tế, ông Châu Việt Bắc – Phó tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, DN Việt đa số chưa am hiểu kỹ về luật pháp quốc tế, luật pháp của nước đối tác, không có bộ phận pháp lý hỗ trợ dẫn đến việc soạn thảo hợp đồng với các điều khoản lỏng lẻo, không phù hợp với hoàn cảnh thực hiện hợp đồng hoặc giao phó cho đối tác soạn thảo hợp đồng và không xem xét kỹ trước khi ký kết. Thậm chí tranh chấp có thể xảy ra ngay cả các đối tác, bạn hàng thân thiết. Vì vậy, việc quản trị về hợp đồng trong các DN rất quan trọng nhất là các DN ký nhiều hợp đồng với hàng loạt đối tác.

“DN cần thay đổi ngay từ cách soạn thảo hợp đồng, nhiều DN Việt không nhờ luật sư tư vấn về soạn thảo hợp đồng, phần lớn hợp đồng được soạn thảo trong quá trình các bên đàm phán do đó chỉ đưa ra các nội dung ký kết, không đưa ra các thông tin về luật áp dụng khi xảy ra tranh chấp. Đây chính là sơ hở gây bất lợi cho doanh nghiệp khi có phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, điều khoản về trọng tài cũng không rõ ràng dẫn đến việc khi xảy ra tranh chấp không biết khởi kiện ra cơ quan nào và cuộc chiến về thẩm quyền sẽ tốn kém về thời gian và chi phí. Việc này cũng sẽ gây khó khăn trong việc yêu cầu toà án hỗ trợ…”, ông Bắc lưu ý các DN.y

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều