Chuyện những người “bán tin”

15:07 | 22/08/2018

Có thể thấy kho thông tin mà CIC đang lưu trữ hiện đã là tài nguyên chung của nhiều bộ, ngành, của cả đất nước và hiện đang quay trở lại phục vụ cho công tác giám sát điều hành chính sách của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành một cách linh động và hoàn toàn miễn phí...

Đón chén trà nóng từ tay anh Trương Hùng Lân - Trưởng phòng Hỗ trợ khách hàng CIC tôi cười: “CIC các anh là “sướng” nhất đấy! tin được các ngân hàng cấp mà không phải trả tiền, các anh chỉ việc “bán tin” thu tiền thôi!”. Anh Lân vui vẻ: “Rất nhiều người nghĩ như nhà báo đấy! Thế nhưng tôi hỏi nhé, Việt Nam hiện có khoảng trên 600 TCTD, công ty cho thuê tài chính, các định chế tài chính… mỗi một tổ chức ít cũng vài trăm ngàn khách hàng nhiều thì vài ba triệu thậm chí cả chục triệu khách hàng. Chỉ cần nhìn con số hơn 36 triệu hồ sơ khách hàng đang lưu trữ tại CIC thì nhà báo đủ biết là lượng thông tin gửi về CIC lớn đến đâu!.

chuyen nhung nguoi ban tin
CIC đã nâng cao chất lượng Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu

Vậy trong số đó, nhà báo có biết khách hàng ấy hiện đang vay ở đâu? Vay ở bao nhiêu TCTD? Dư nợ của khách hàng là bao nhiêu? Nợ xấu ở TCTD nào? Bao nhiêu tiền? Rồi tên khách hàng ấy, địa chỉ đó nhưng có đúng là họ hay không hay là một người trùng tên?... Để “bán” được tin, cán bộ CIC chúng tôi phải trả lời tất cả những câu hỏi ấy đấy!”.

Đơn cử, riêng việc trùng tên, họ, trùng ngày tháng năm sinh, thậm chí là CMND nữa, cũng đã “ngốn” của CIC không biết bao nhiêu thời gian. Như trường hợp điển hình mới đây ở Sơn Tây, Hà Nội có 2 anh em họ, cùng họ tên được cơ quan công an cấp trùng số CMND, người em có nợ quá hạn tại ngân hàng đã lâu, trong khi người anh chưa vay vốn ở đâu.

Đến khi người anh có nhu cầu vay vốn, TCTD hỏi tin CIC, được cung cấp thông tin về khoản nợ xấu mới tá hỏa tức tốc gọi điện lại cho CIC để thắc mắc. Sau khi phối hợp với phòng nghiệp vụ kiểm tra lại thông tin do khách hàng cung cấp và thông tin đang lưu giữ tại CIC, cán bộ HTKH phát hiện thấy 2 người trùng tên, trùng số CMND nhưng khác ngày sinh nên đã đề nghị phòng nghiệp vụ bóc tách dữ liệu 2 người với 2 mã CIC khác nhau và không quên đề nghị khách hàng thay đổi sang CMND 12 số mới để tránh trùng lặp.

Rồi trường hợp một khách hàng ở Hà Nội sử dụng nhiều CMND, căn cước công dân và hộ chiếu, khai theo nhiều địa chỉ để vay vốn tại nhiều TCTD (mỗi TCTD vay theo 1 loại giấy tờ khác nhau). Qua vài lần trót lọt nhưng sau đó liên tục bị các TCTD có liên quan yêu cầu giải trình về khả năng trả nợ; tưởng rằng việc sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân và khai theo nhiều địa chỉ khác nhau thì dễ dàng che giấu thông tin nên ông này đến CIC làm ầm ĩ, quát nạt, dọa dẫm khởi kiện CIC vì cung cấp thông tin sai sự thật.

Sau khi rà soát dữ liệu thông tin định danh do các TCTD cung cấp như họ tên, ngày sinh, quê quán... các bộ phận nghiệp vụ CIC có đủ cơ sở để xác định đây là một khách hàng, rồi giải thích, làm rõ cho khách hàng biết. Khi đó, người khiếu nại mới dịu giọng xin lỗi rằng do khoản vay đã lâu nên không nhớ và rút đơn khiếu nại.

Còn có hàng trăm những vụ việc vô cùng phức tạp mà CIC đã và đang phải xử lý hàng ngày, hàng giờ để có những dòng “tin sạch” bán cho khách hàng. Cũng đã có rất nhiều “đề nghị” CIC sửa thông tin trên hệ thống chỉ để khách hàng tiếp cận được khoản vay nhanh chóng hơn. Thế nhưng, tất cả thông tin cần chỉnh sửa đều phải xuất phát từ đề nghị của chính TCTD nơi có dư nợ của khách hàng, bởi chỉ một thông tin sai lệch có thể khiến nhiều TCTD khác vướng nợ xấu.

Đơn cử như các trường hợp khách hàng vay vốn tại nhiều TCTD, khi để quá hạn, phát sinh nợ xấu tại 1 TCTD thì các TCTD khác phân loại nợ xấu kéo theo, gây áp lực rất lớn đến khả năng trả nợ và phát sinh thắc mắc khiếu nại, tốn nhiều thời gian giải thích, xác minh, đề nghị điều chỉnh thông tin tại CIC và các TCTD, đặc biệt là các khoản nợ tại các Công ty tài chính cho vay trả góp.

Hiện nay, CIC đã chính thức thực hiện mô hình kết nối thông tin trực tiếp với các TCTD (Host to Host) từ tháng 4/2018. Mô hình này cho phép dữ liệu được truyền tự động hai chiều, giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá trình hỏi, tra cứu, báo cáo thông tin; gắn hệ thống của CIC với hệ thống quản trị rủi ro, phê duyệt tín dụng của các TCTD; qua đó rút ngắn thời gian truy vấn, giảm chi phí khai thác thông tin và giảm thiểu rủi ro tác nghiệp của TCTD.

Có thể thấy, hoạt động thông tin tín dụng là một trong ba trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Vì vậy, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của NHNN, CIC đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó CIC chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Cụ thể, CIC đã nâng cao chất lượng Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu; nguồn thông tin đã mở rộng tới 100% các TCTD, kể cả các tổ chức có quy mô nhỏ như Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tự nguyện và các thông tin ngoài ngành.

Do vậy, tổng số khách hàng vay lưu trữ đã đạt trên 36,6 triệu khách hàng, độ sâu thông tin là 7/8 điểm, độ phủ thông tin là 51% trên số người trưởng thành, cao hơn khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và nhóm các nước OECD. Số lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho NHNN và các TCTD đã đạt trên 18 triệu báo cáo năm 2017.

Đặc biệt, với sự vận hành của dự án FSMIMS và sự chủ động của CIC trong việc áp dụng phương thức cung cấp thông tin mới hiện đại, thời gian truy xuất thông tin đã giảm xuống dưới 10 giây, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng khai thác thông tin nhanh, hiệu quả và với chi phí hợp lý.

Hiện lượng thông tin mà CIC “bán” được chỉ chiếm chưa đến 10% lượng thông tin mà tổ chức này đang lưu trữ. CIC đang không ngừng thu thập dữ liệu thông tin tín dụng trong cũng như ngoài nước để mở rộng hơn nữa kho dữ liệu Quốc gia về thông tin tín dụng của mình. Kỷ nguyên CMCN 4.0 đã bắt đầu và dữ liệu sẽ là phần quan trọng để mỗi người, mỗi ngành, mỗi quốc gia phát triển…

Một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà CIC đã và đang thực hiện chính là cấp tin (miễn phí) để phục vụ công tác điều hành chính sách của NHNN Việt Nam và nhiều ngành khác như công an, thuế, tài chính… Đây luôn được coi là thông tin đầu vào chất lượng cho hoạch định chính sách tài chính, ngân hàng, tiền tệ.

Các vụ, cục, chi nhánh NHNN tỉnh thành phố đều có quyền truy cập hệ thống thông tin tín dụng Quốc gia để khai thác thông tin tín dụng chi tiết hoặc các báo cáo thông tin tín dụng tổng hợp theo địa bàn, lĩnh vực, vùng kinh tế, ngành kinh tế… để phục vụ hoạt động.

Năm 2017 CIC đã cung cấp 11.660 báo cáo cho NHNN; 6 tháng đầu năm 2018 cung cấp 8.680 báo cáo. Góp phần vào sự vận hành an toàn, hiệu quả của hệ thống ngân hàng; năm 2017 CIC cung cấp 18 triệu bản tin; 6 tháng đầu năm 2018 cung cấp 15 triệu bản tin, trong số đó phần lớn là báo cáo phục vụ phân loại nợ theo Thông tư 02. (các báo cáo đều được cung cấp miễn phí phục vụ điều hành chính sách của NHNN Việt Nam).

Không chỉ có vậy, CIC còn hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước khác trong hoạt động điều tra, xác minh thông tin. Năm 2017 cung cấp gần 400 báo cáo thông tin, 6 tháng đầu năm 2018 cung cấp gần 100 báo cáo cho cơ quan công an, tòa án, thuế, cơ quan quản lý nhà nước khác nữa...

Có thể thấy kho thông tin mà CIC đang lưu trữ hiện đã là tài nguyên chung của nhiều bộ, ngành, của cả đất nước và hiện đang quay trở lại phục vụ cho công tác giám sát điều hành chính sách của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành một cách linh động và hoàn toàn miễn phí.

Tôi chợt hiểu, cũng như cánh nhà báo chúng tôi, mỗi dòng tin cấp ra cho độc giả đều là sự lựa chọn chắt lọc từ vô vàn những thông tin đầu vào. CIC cũng vậy, để có thể “bán” được một tin là kết quả sự vận hành hiệu quả của một hệ thống con người và máy móc khổng lồ, chỉ với một mục tiêu duy nhất là để hệ thống ngân hàng, tài chính Việt Nam phát triển ngày càng vững bền, là chỗ dựa cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân…

Thanh Thủy

Tin đọc nhiều