Da giày trước cơ hội mới | |
Giày da xuất khẩu có cơ hội mới |
Chúng ta đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, với khoảng hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. Sản phẩm da giày của Việt Nam cũng đã xâm nhập khá thành công vào những thị trường khó tính, đòi hỏi những khắt khe về chất lượng cũng như mẫu mã như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU...
Các sản phẩm giày da Việt Nam ngày càng có chất lượng |
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty Giày BQ chia sẻ, điều đáng nói, hiện giá xuất khẩu trung bình của thế giới khoảng 9,81 USD/đôi. Trong khi đó giá của Việt Nam lên tới 15 USD/đôi, cao gấp 1,6 lần so với giá trung bình của thế giới. Như vậy, chất lượng các sản phẩm giày dép của Việt Nam rõ ràng đã được nâng lên rất nhiều, được người tiêu dùng trên thế giới công nhận.
Trong năm tới, tình hình có thể sẽ vẫn khả quan hơn đối với các doanh nghiệp da giày, khi một số hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết chuẩn bị có hiệu lực.
Đặc biệt, trong đó với hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp da giày đẩy mạnh xuất khẩu, khi thuế xuất hàng vào các nước trong hiệp định sẽ tự động giảm xuống. Đây là một lợi thế rất lớn của chúng ta đối với các đối thủ trong ngành da giày ở trên thế giới cũng như trong khu vực.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, ngành này cũng đáp ứng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Nhưng trên thực tế, ngành công nghiệp da giày Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên gia công, nguyên phụ liệu chủ yếu phải nhập khẩu (gần 60%), nhiều nhất là da thuộc. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên, phụ liệu cho ngành da giày như: da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm phom, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất… tuy nhiên, số lượng và quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Do đó, để có đủ nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp phải chi một số tiền khá lớn để nhập khẩu nguyên, phụ liệu về sản xuất.
Bên cạnh đó, những khó khăn do chi phí nhân công ngày càng tăng, năng suất lao động còn thấp. Do xuất phát điểm thấp, nên ngành da giày Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công xuất khẩu. Bên cạnh, là những áp đảo của các doanh nghiệp da giày trong khối FDI...
Đặc biệt, một số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Ở trong nước mới chỉ hỗ trợ được một số nguyên liệu đơn giản như đế giày, khoen, khuy, khóa, lót giày, thùng carton... Còn những nguyên liệu chính vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, ông Hải cho biết thêm.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp da giày, nắm bắt được thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu các cơ quan chức năng cần tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại.
Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, bởi da giày là ngành thời trang, thay đổi liên tục, do đó cần phát triển công nghiệp phụ trợ sao cho hợp lý. Cần có những chính sách thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ về công nghệ, đất đai, tín dụng...
Riêng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, cần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đầu tư xây dựng các thương hiệu thuần Việt ngay tại sân nhà nhiều tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất da giày phát triển bền vững.
Hữu An