Cơ hội kép để khai thác thị trường Australia

07:00 | 15/04/2019

Việt Nam và Australia vừa có thêm một FTA mới là CPTPP – FTA có mức độ tự do hóa và phạm vi cam kết lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam, có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Doanh nghiệp ngành tôm chịu áp lực cạnh tranh

Mặc dù hội tụ đủ 2 yếu tố quan trọng là thị trường tiềm năng, dung lượng lớn, và có FTA từ sớm, song hiện nay Australia vẫn là mảnh đất khá mới mẻ với DN Việt Nam do giá trị xuất khẩu và đầu tư hạn chế. Sau gần 10 năm có FTA ASEAN – Australia/New Zealand (AANZFTA), Việt Nam đang đứng trước một cơ hội khác để khai thác mạnh hơn thị trường Australia, đó là CPTPP. Tuy nhiên, nếu không nhận diện được các thách thức và cải thiện năng lực, khả năng tận dụng cơ hội này sẽ tiếp tục khó khăn. Vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Tiềm năng thị trường Australia từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/4.

co hoi kep de khai thac thi truong australia
Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Australia

Thương mại giảm sút sau 10 năm dù có FTA

Đánh giá về thực trạng xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sang Australia, bà Phùng Thị Lan Phương - Trưởng phòng FTA thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, giai đoạn 2008-2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Australia có nhiều biến động.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 kéo theo suy thoái toàn cầu sau đó đã khiến cho xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sụt giảm gần một nửa, từ 4,59 tỷ USD năm 2008 xuống chỉ còn 2,56 tỷ USD năm 2009. Ngay sau đó, AANZFTA có hiệu lực đã khôi phục xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, khiến giá trị xuất khẩu tăng khá đều trong giai đoạn 2010-2014. Các năm sau đó do nhiều nguyên nhân như tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động, tác động chệch hướng thương mại… khiến cho xuất khẩu của Việt Nam sang Australia giảm mạnh giai đoạn 2014-2016 rồi lại tăng giai đoạn 2016-2018.

Tuy nhiên, kết quả sau 11 năm từ năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này thậm chí không tăng mà còn giảm, chỉ đạt 4,5 tỷ USD năm 2018, thấp hơn cả năm 2008. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu sang Australia chỉ chiếm 1,84% - tỷ lệ khá nhỏ so với thị trường lớn như vậy.

Điều đáng nói hơn là, trong khi tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2008-2018 là 15,1%; thì tăng trưởng xuất khẩu trung bình sang Australia chỉ là 2,3%. “Nếu xét Việt Nam là một trong những đối tác FTA của Australia với nhiều lợi thế về thuế quan hơn so với các đối tác không có FTA khác khi tiếp cận thị trường này thì tốc độ như trên là tương đối khiêm tốn”, bà Phương nhận định.

Xét về quan hệ đầu tư, nghiên cứu của Trung tâm WTO và Hội nhập cho thấy, đầu tư nước ngoài của Việt Nam sang Australia đã tăng gần 5 lần, từ 155 triệu AUD năm 2008 lên 735 triệu AUD năm 2017. Giai đoạn tăng mạnh nhất là 2010-2014, đây cũng là giai đoạn ngay sau khi AANZFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài của Việt Nam sang Australia chỉ chiếm lượng không đáng kể là 0,02% tổng lượng đầu tư nước ngoài chảy vào Australia, và thấp hơn rất nhiều so với một số nước ASEAN khác như Singapore (82 tỷ AUD), Malaysia (21,3 tỷ AUD).

Xét riêng về đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Australia lũy kế đến tháng 9/2018 mới có 39 dự án với tổng cộng 202,3 triệu USD, và Australia chỉ đứng thứ 14 trong số các nước Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây là thị trường đầu tư tiềm năng cho các NĐT Việt Nam thể hiện qua giá trị FDI của Việt Nam vào nước này đã gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2018, FDI của Việt Nam vào Australia đã đạt 55,5 triệu USD, chiếm 12,8% tổng FDI ra nước ngoài của Việt Nam, đồng thời biến Australia thành thị trường Việt Nam có đầu tư FDI lớn thứ hai chỉ sau Lào năm 2018.

Tiềm năng nhưng không dễ khai thác

Việt Nam và Australia vừa có thêm một FTA mới là CPTPP – FTA có mức độ tự do hóa và phạm vi cam kết lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam, có hiệu lực từ đầu năm 2019. Trong CPTPP, Australia có thêm nhiều cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động cho Việt Nam so với AANZFTA, mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sang thị trường này. Bên cạnh đó, là 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI toàn cầu, Australia đã và đang trở thành thị trường xuất khẩu và đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng lưu ý, ngoài Việt Nam, thị trường Australia đã rất mở cho nhiều đối tác FTA và các đối tác theo các thỏa thuận và ưu đãi thuế quan khác, khiến cho áp lực cạnh tranh tại thị trường này là rất lớn đối với các DN Việt Nam. Mặc dù vậy, trong các FTA và thỏa thuận ưu đãi thuế quan của Australia thì CPTPP được đánh giá là hiệp định có mức độ tự do hóa cao nhất, và do đó sẽ vẫn tạo ra những ưu thế và cơ hội nhất định cho Việt Nam so với các đối tác khác của Australia.

Dù có nhiều lợi thế, song nếu nhìn vào khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của DN Việt Nam từ thị trường Australia thông qua AANZFTA, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vẫn không khỏi lo ngại. Đó là sau gần 8 năm FTA này có hiệu lực, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chỉ đạt mức 33% và đang có xu hướng giảm xuống.

Chính vì vậy, mặc dù trong CPTPP, Australia đã gỡ bỏ gần như toàn bộ thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, song điều đó cũng không có nghĩa là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này sẽ lập tức tăng đột biến. Bởi thực tế hàng hóa của Việt Nam đã được hưởng các ưu đãi thuế quan tương tự theo AANZFTA, nhưng xuất khẩu sang thị trường Australia vẫn còn hạn chế. Đó là do thuế quan không phải rào cản lớn nhất đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Australia mà là các rào cản phi thuế quan như các yêu cầu về biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật; các biện pháp phòng vệ thương mại... Các biện pháp phi thuế quan này có được đề cập đến trong CPTPP nhưng vẫn ở mức rất hạn chế. Hầu hết các cam kết chỉ dừng lại ở các vấn đề về minh bạch hóa thông tin, tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong việc đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu... mà không có các cam kết cắt giảm các biện pháp này.

Vì vậy, ông Dương khuyến nghị trước hết cần tập trung vào các biện pháp nâng cao năng lực cho DN trong cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ để thích ứng với các quy định văn hoá của Australia. Ví dụ, nếu cải thiện được quy trình giết mổ gia súc, đáp ứng yêu cầu giết mổ nhân đạo, thì có thể xuất khẩu sản phẩm sang các nước đối tác dễ dàng hơn.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều