Còn dư địa cải thiện môi trường kinh doanh

16:00 | 06/04/2018

Với nhiều yếu tố thuận lợi, nhìn chung dư địa để cải thiện môi trường kinh doanh tại TP. Đà Nẵng là không hề nhỏ.

Thu hút đầu tư Việt kiều
Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Kết quả ấn tượng

Năm 2017, những nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng DN ở Việt Nam đã chuyển hóa thành những kết quả ấn tượng. Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 4 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 4 bậc, GDP đạt tốc độ tăng trưởng cao của khu vực.

con du dia cai thien moi truong kinh doanh
Cộng đồng DN nỗ lực đóng góp vào sự phát triển ở miền Trung - Tây Nguyên

Đặc biệt, quý I/2018, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với GDP cao nhất trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, số lượng DN thành lập mới đạt kỷ lục trong 7 năm. Đặc biệt, là sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào thị trường đã trở thành những động lực quan trọng, nền tảng tốt cho tăng trưởng.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng cho biết, những năm trước đây khu vực miền Trung - Tây Nguyên tuy được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng cũng được xem là khu vực “bị bỏ rơi dưới cánh máy bay”, trong quá trình hội nhập, phát triển.

Tuy nhiên, đến thời điểm này mọi việc đã khác, trong đó có những đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng DN ở khu vực. Cụ thể, qua công bố điều tra PCI mới nhất, thì 11 tỉnh, thành trong địa bàn hoạt động của VCCI Đà Nẵng đều tăng điểm. Các địa phương trong khu vực đã vượt lên trên chính mình trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thu hút đầu tư và được ghi nhận.

Năm 2017, cũng là năm khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nhiều khởi sắc trong thu hút đầu tư, phát triển DN. Tỷ lệ DN ngừng hoạt động và DN đăng ký thành lập mới của khu vực cao hơn bình quân cả nước. Chỉ tính riêng tại 5 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thì cứ 1 DN ngừng hoạt động lại có 3,7 DN được thành lập mới.

Trong khi, tỷ lệ bình quân của cả nước là 1 DN/2,1 DN. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư FDI vào khu vực cũng có bước cải thiện tích cực với tổng đầu tư thu hút trên 800 triệu USD với hơn 100 dự án đầu tư...

Đặc biệt, năm 2017 khu vực nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng là tâm điểm của hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế với cao điểm là Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức thành công. Trong đó, VCCI cùng các hiệp hội DN, cộng đồng DN đóng vai trò không nhỏ góp vào thành công của năm APEC Việt Nam.

Đồng hành cùng DN

Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng thì sự phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và cộng đồng DN tại khu vực nói riêng vẫn gặp những khó khăn. Trong tổng số 11 tỉnh, thành tại khu vực thì có đến 7 địa phương tụt hạng. 1 tỉnh giữ được thứ hạng và chỉ có 3 tỉnh tăng được thứ hạng PCI là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai. Trong đó, TP. Đà Nẵng sau 4 năm liên tiếp ở vị trí quán quân, năm 2017 tụt xuống vị trí thứ 2.

Đặc biệt, việc phát triển DN, thu hút đầu tư vào khu vực tuy cải thiện, nhưng vẫn chưa thực sự ấn tượng. Tại 11 tỉnh, thành trong khu vực, duy nhất có TP. Đà Nẵng là có số lượng đăng ký mới trong năm cao hơn bình quân cả nước. Quy mô vốn đăng ký bình quân của DN thành lập mới ở 5 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chỉ là 8,6 tỷ đồng/DN, chỉ bằng 84,3% bình quân cả nước.

Trong khi đó, với nhiều yếu tố thuận lợi, nhìn chung dư địa để cải thiện môi trường kinh doanh ở đây là không hề nhỏ. Đó vừa là cơ hội, cũng là thách thức, trở ngại của khu vực này trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN.

Một trong những nguyên nhân của sự yếu kém trên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, khiến năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và việc tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại của cộng đồng DN còn hạn chế là do thiếu vắng những DN cỡ vừa. Đặc biệt, tại miền Trung - Tây Nguyên là điển hình.

Theo đó, tỷ lệ DN cỡ vừa trong cơ cấu DN của Việt Nam đã nhỏ, tại khu vực miền Trung tỷ lệ đó càng thấp hơn. Tình trạng DN “mãi không lớn” vẫn là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng và của cả cộng đồng DN.

Trước những ý kiến của các DN về việc, trong khi các bộ, ngành trung ương đang có nhiều quyết liệt trong việc cải thiện các điều kiện và môi trường kinh doanh thì ở địa phương lại “lạnh”, TS. Vũ Tiến Lộc đã đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, có những địa phương còn chậm trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, giải quyết vướng mắc thể chế ở tầm vĩ mô thuộc về Trung ương là chính. TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đang cùng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương kiên quyết đề nghị cắt giảm các điều kiện kinh doanh ở các bộ ngành, nhưng những kiến nghị này phải do các DN đề xuất.

Với quan điểm xem thành công của cộng đồng DN là thành công của VCCI, ông Nguyễn Tiến Quang khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực đồng hành với DN. Trong thời gian tới, VCCI Đà Nẵng sẽ góp sức đẩy mạnh hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ DN, phát triển khu vực kinh tế tư nhân thông qua các hoạt động như phối hợp với các tỉnh, thành thực hiện đánh giá hài lòng của cộng đồng DN với cấp sở ngành, quận, huyện;

Rà soát các chính sách hỗ trợ DN và đề xuất, hiến kế việc xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ DN một cách hiệu quả, phù hợp với bối cảnh hội nhập, cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời thúc đẩy sự liên kết giữa các tổ chức hiệp hội DN trong nước và hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm tăng cường liên kết, hợp tác trong cộng đồng DN trong và ngoài nước.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều