Đăng ký doanh nghiệp 2018: Tăng trưởng cao mà sao vẫn khó

07:30 | 27/12/2018

Doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm lại 3,5%. Doanh nghiệp gặp khó khăn tăng đột biến 47,2%. Tổng lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản xấp xỉ 81,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Bức tranh doanh nghiệp năm 2018 cho thấy nhiều gam màu xám trong bối cảnh tăng trưởng dự kiến có nhiều khởi sắc, có thể đạt tới 7%.

dang ky doanh nghiep 2018 tang truong cao ma sao van kho

Doanh nghiệp thành lập mới giảm tốc

Tháng 12, số doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước chỉ đạt 10.027 doanh nghiệp, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2017. Diễn biến này chốt lại một năm 2018 không có nhiều khởi sắc về phát triển doanh nghiệp, bất chấp các nỗ lực của Chính phủ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Dữ liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho biết trong năm nay, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký.

dang ky doanh nghiep 2018 tang truong cao ma sao van kho

Duy trì tăng trưởng dương, 2018 là năm thứ tư liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử, trong so sánh với các năm trước đấy. Nhưng nhìn về xu hướng thì có rất nhiều dấu hiệu đáng để phải lo lắng.

Tính trong 4 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới có độ sụt giảm rất mạnh, dù đây cũng là giai đoạn năm này qua năm khác các Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, hay nâng cao năng lực cạnh tranh… liên tục được Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm - một chủ trương xuyên suốt và hàm chứa đầy quyết tâm.

dang ky doanh nghiep 2018 tang truong cao ma sao van kho

Nếu như năm 2015, tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới lên tới 26,61% thì qua các năm kế tiếp tốc độ này đều liên tục sụt giảm, đến năm nay con sô chỉ còn 3,48%, một mức sụt giảm đáng báo động.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2018 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886.892 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017 là các số liệu lạc quan hiếm hoi trong bức tranh phát triển doanh nghiệp 2018.

Nhìn vào lĩnh vực hoạt động cũng có thể thấy những biểu hiện kém tích cực. Trong khi các ngành sản xuất thực như công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn trung bình cả nước, chỉ ở mức 0,07%, thì các lĩnh vực khác lại có tăng trưởng cao. Trong đó, đáng chú ý là kinh doanh bất động sản đạt tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất, đạt 40%.

Tuy nhiên, năm 2018 cũng ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động khá khởi sắc, đạt 34.010 doanh nghiệp, tăng 28,6% so với năm trước. Tuy nhiên, cần lưu ý là mức tăng khả quan này là so với năm 2017 có sự sụt giảm nhẹ về lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

dang ky doanh nghiep 2018 tang truong cao ma sao van kho
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giai đoạn 2014-2018

Doanh nghiệp khó khăn tăng đột biến

Tuy nhiên, các con số về doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trong năm 2018 mới thật sự đáng lo ngại, khi lần đầu tiên tổng số vượt 100 nghìn doanh nghiệp.

Cũng theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 27.126 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với năm 2017; có 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4%; và 16.314 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 34,7%.

dang ky doanh nghiep 2018 tang truong cao ma sao van kho

Tổng hợp lại, cả năm có tới 106.965 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. So với năm 2017, tổng số doanh nghiệp này tăng tới 47,2%, cũng là tốc độ tăng kỷ lục từ trước đến nay.

So với số doanh nghiệp thành lập mới như trên, lượng doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2018, phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tương đương 81,5%, cũng là tỷ lệ rất cao. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

dang ky doanh nghiep 2018 tang truong cao ma sao van kho

Lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tập trung lớn nhất vào các ngành: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo... cho thấy đây là các ngành đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngành chế biến chế tạo "đóng góp" 12,2% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (3.299 doanh nghiệp); 12,4% doanh nghiệp ngừng hoạt động; 13,5% doanh nghiệp giải thể, phá sản (2.208 doanh nghiệp).

Đặc biệt là ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tình hình doanh nghiệp khó khăn như vậy đặt ra câu hỏi nhân tố nào đang đóng góp rất tích cực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế?

Anh Quân

Tin đọc nhiều