Đảo chiều thương mại, Việt Nam nhập siêu từ Australia

07:18 | 23/08/2019

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến tháng 7/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 1,934 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu lên tới 2,61 tỷ USD. Như vậy, đến hết tháng 7, Việt Nam nhập siêu gần 700 triệu USD từ Australia.

So với cùng kỳ 2018, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Australia đang có sụ đảo chiều, khi nước ta chuyển từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu.

Kết thúc tháng 7 năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu sang Australia lượng hàng hóa trị giá 2,307 tỷ USD và nhập khẩu 1,977 tỷ USD. Do đó, cán cân thương mại của năm ngoái nghiêng về Việt Nam với con số xuất siêu 330 triệu USD.

Theo Tổng cục Hải quan, các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Australia những tháng đầu năm 2019 có thể kể đến như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép; dệt may; thủy sản… với kim ngạch đạt từ 100 triệu USD/nhóm hàng trở lên.

dao chieu thuong mai viet nam nhap sieu tu australia
Điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Australia

Tuy nhiên, một số nhóm hàng chủ lực bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái: điện thoại và linh kiện đạt 419 triệu USD, giảm gần 80 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 131,5 triệu USD, giảm khoảng 70 triệu USD…

Đáng chú ý, dầu thô xuất khẩu của Việt Nam sang Australia chỉ đạt kim ngạch gần 60 triệu USD, giảm tới gần 200 triệu USD so với cùng kỳ 2018.

Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ Australia tăng mạnh chủ yếu từ kim ngạch nhập khẩu than. Cụ thể, hết tháng 7, cả nước nhập khẩu hơn 8,5 triệu tấn than từ Australia, với trị giá kim ngạch hơn 937 triệu USD. Đây là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất chiếm đến gần 36% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước từ Australia trong 7 tháng đầu năm.

Ngoài ra, hết tháng 7 còn 4 nhóm hàng nhập từ Australia đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Quặng và khoáng sản (328,6 triệu USD); kim loại thường (280 triệu USD); lúa mì (157 triệu USD) và phế liệu sắt thép (117 triệu USD).

Thái Hoàng

Tin đọc nhiều