Đau đầu với bài toán xuất xứ

12:00 | 06/09/2019

Có những DN đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi song vẫn không được hưởng ưu đãi thuế quan từ CPTPP.

Tăng cường đấu tranh với hàng giả mạo xuất xứ Made in Vietnam
Nhiều cơ hội rộng mở cho DN với RCEP
Xuất xứ hàng hóa và bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh

Chỉ mới tận dụng được 0,03% cơ hội

Ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, và để được hưởng lợi về hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu may mặc sang các nước CPTPP, các nguyên vật liệu từ sợi trở đi phải được sản xuất trong nội khối.

Ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, kỳ vọng sẽ có hiệu lực trong thời gian không xa. Đáng chú ý, quy tắc xuất xứ về lĩnh vực dệt may trong EVFTA thoáng hơn CPTPP là thị trường này chỉ yêu cầu xuất xứ từ vải và được phép cộng dồn cả vải của các nước đã từng ký hiệp định tự do với EU như Hàn Quốc.

Vì vậy, dù 2 hiệp định trên được đánh giá là cơ hội rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam nhưng để đáp ứng quy tắc xuất xứ trên và tận dụng được ưu đãi là không hề dễ dàng. Đơn cử, sau 8 tháng CPTPP có hiệu lực, mặt hàng dệt may chỉ tận dụng được 0,03% cơ hội từ cắt giảm thuế quan.

Trong đó, nguyên nhân nhân chính là hầu hết DN dệt may Việt Nam đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngoài khối CPTPP. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, đa phần sản phẩm may mặc Việt Nam không đáp ứng được quy tắc về nguồn gốc xuất xứ do phần lớn nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc.

dau dau voi bai toan xuat xu
Ảnh minh họa

Thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu may mặc đạt 24,7 tỷ USD, xơ sợi đạt 4 tỷ, xuất khẩu vải chỉ đạt 1,7 tỷ. Trong khi đó, ngành dệt may phải nhập khẩu 21,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017, trong đó nhập khẩu vải đạt 12.8 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017.

Vì vậy, ngay với nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA được đánh giá là khá “thoáng”, thì nhiều khả năng dệt may Việt Nam cũng khó tận dụng.

Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, phần vải và các phụ liệu khác chúng ta đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, ASEAN là những thị trường mà chưa ký được hiệp định tự do với EU.

Từ bông hay từ sợi?

Tuy nhiên, nghịch lý còn nằm ở chỗ, có những DN đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi song vẫn không được hưởng ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Sau nhiều lần gửi kiến nghị tới Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Công ty cổ phần dệt may đầu tư thương mại Thành Công vẫn chưa tìm được phương án giải quyết trong câu chuyện vướng mắc về quy tắc xuất xứ của mình.

DN này đang xuất khẩu sản phẩm quần áo dệt kim sang thị trường Canada, đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ nguyên liệu từ sợi nhưng vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan theo như quy định tại CPTPP. Một trong những lý do mà Cục Xuất nhập khẩu đưa ra là phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ bông.

Chia sẻ với khó khăn mà Thành Công đang gặp phải, ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quy trình sản xuất một sản phẩm quần áo bắt đầu từ bông, hoặc sợi sang kéo sợi, dệt vải, nhuộm, may. Thành Công sở hữu chuỗi cung ứng khá đầy đủ, tuy nhiên DN này nhập khẩu bông của Mỹ và các nước Tây Phi. Đây cũng là lý do khi làm việc với Cục Xuất nhập khẩu để xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) - Cục này yêu cầu sản phẩm của DN phải đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ bông mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Tuy nhiên, quan điểm của Hiệp hội Dệt may là nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi, DN hoàn toàn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường CPTPP. 5 năm nay, khi truyền thông về CPTPP (trước đây là TPP), chúng ta luôn nói dệt may phải chấp nhận quy tắc xuất xứ từ sợi.

Hơn nữa, ông Trường cho hay, lời văn về quy tắc xuất xứ của ngành dệt may trong CPTPP không mới so với nội dung tại các hiệp định thương mại tự do mà trước đây Mỹ áp dụng cho các nước ở Trung Mỹ và Caribe.

“Chúng tôi đã tìm hiểu đầy đủ cách thức trả lời của Hải quan Mỹ với các DN, theo đó tất cả sản phẩm dệt may được hưởng ưu đãi khi đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi, không ai hiểu là xuất xứ từ bông”, ông Trường nhấn mạnh.

Theo ông Trường, có thể một góc độ nào đó, lời văn hiệp định chưa tường minh, tuy nhiên cơ quan chức năng nên xử lý theo hướng bảo vệ tốt nhất cho DN. Sau này bất cứ quốc gia nào trong khối CPTPP khiếu nại, chúng ta có quyền đàm phán song phương với họ. Nếu cơ quan quản lý vẫn tiếp tục làm khó DN yêu cầu phải đáp ứng xuất xứ từ bông mà trong khối CPTPP không nước nào sản xuất bông, ngoài nước Úc có bông dài cao cấp nhưng giá bán rất cao, ngành dệt may sẽ gặp vô cùng khó khăn.

Về lâu dài, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị nên áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho DN.

Ông Trường cho rằng, với DN tài sản thương hiệu lớn hơn chuyện một vài đồng thuế nên chắc chắn không vì một vài trăm triệu mà gian lận thương mại. Còn nếu cơ quan quản lý muốn chắc chắn có thể tổ chức các lớp tập huấn và cấp giấy phép cho đơn vị có cán bộ đủ điều kiện để tự chứng nhận xuất xứ. Như vậy, vừa giảm tải công việc cho cơ quan quản lý, vừa tạo thuận lợi cho cộng đồng DN.

Diệu Linh

Tin đọc nhiều