Doanh nghiệp FDI dẫn dắt xuất khẩu

10:30 | 17/08/2017

Cán cân thương mại hiện đang nghiêng về khối doanh nghiệp FDI

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 118,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ, nhập siêu 3,08 tỷ USD.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, hoạt động xuất khẩu của các DN đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, có 20 mặt hàng như thủy sản, rau quả, cà phê, thanh long, tiêu, hàng điện tử, dệt may... đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Mặc dù, nhập khẩu tăng cao nhưng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng nói tính đến nay cán cân thương mại hàng hóa của khối DN FDI đang đạt mức thặng dư gần 9 tỷ USD. Trong khi khối DN có vốn trong nước thâm hụt trên 11 tỷ USD, xấp xỉ 39% kim ngạch xuất khẩu của khối này.

doanh nghiep fdi dan dat xuat khau
Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ có sự chênh lệch khá lớn này là do khối DN FDI đang có nhiều lợi thế về thị trường xuất khẩu, biết tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, hàng hóa đạt giá trị gia tăng cao...

Thậm chí, phần lớn các DN FDI đều có trụ sở, công ty mẹ ở nước ngoài để bao tiêu đầu ra nên hàng hóa, sản xuất ra bao nhiêu đã có thị trường rộng lớn tiêu thụ hết bấy nhiêu. Ngược lại, DN có vốn trong nước vẫn chủ yếu loay hoay với xuất thô các mặt hàng nông thủy sản, gia công hàng điện tử, dệt may, giày dép... hàm lượng gia tăng thấp, bị động về thị trường xuất khẩu.

Sở dĩ các DN FDI lợi thế không chỉ về vốn, công nghệ mà quan trọng hơn, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện đặt công ty, nhà máy tại thị trường Việt Nam là nơi sản xuất để tận dụng giá nhân công rẻ. Còn lại thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài đã có công ty mẹ lo, vì vậy sản xuất bao nhiêu, tiêu thụ bấy nhiêu. Ngược lại, các DN có vốn trong nước khó có thể “chen chân” vào chuỗi sản xuất, cung ứng này mà luôn phải đi tìm kiếm thị trường, bạn hàng mới nên tốn nhiều công sức, chi phí và chịu nhiều rủi ro hơn.

Mặc dù thời gian qua các DN có vốn trong nước đã nỗ lực thay đổi để tham gia vào chuỗi cung ứng với các nước, tuy nhiên tỷ lệ vẫn chưa đáng kể. Trong khi xuất khẩu của DN Việt hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào một số mặt hàng xuất khẩu như dệt may, giày dép với nguồn nguyên phụ liệu phụ thuộc nhập khẩu là chính. Bên cạnh đó, do chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan nên hàng hóa của DN trong nước xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, EU vẫn đang phải chịu mức thuế cao. Đơn cử, tại thị trường Mỹ, các DN xuất khẩu Việt Nam hiện vẫn đang đóng góp đến 42% cho thuế quan của quốc gia này, tạo nên gánh nặng không nhỏ và hạn chế nguồn lợi thu về cho các DN trong nước.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, đã đến lúc các DN trong nước cần thay đổi tư duy đến cách làm. Nếu như xuất khẩu chỉ chủ yếu dựa vào khối DN FDI thì các DN nội sẽ không bao giờ vươn lên, tự làm chủ trên “sân nhà”. Đồng thời, cơ quan quản lý nên tạo hành lang thông thoáng để tạo động lực thúc đẩy cho các DN trong nước phát huy khả năng, tư duy sáng tạo.

“DN trong nước cần một cuộc kiến tạo làn sóng xuất khẩu mới để thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đi vào giá trị gia tăng, từ dó góp phần nâng tầm thương hiệu và hình ảnh quốc gia trên thương trường quốc tế”, ông Hòa nhấn mạnh.

Phương Nam

Tin đọc nhiều