Doanh nghiệp ngoại tăng mở rộng đầu tư

09:00 | 15/04/2019

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tiếp tục xu hướng tích cực, khiến doanh nghiệp ngoại đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh

Lo ngại xu hướng li ti hóa của FDI
Hà Nội tạo cơ chế thu hút FDI
Tận dụng ngoại lực để thúc đẩy kinh tế

Theo ông Mattias Hennius, Bộ phận truyền thông của Tập đoàn Ikea Thụy Điển khu vực Châu Á-tập đoàn đa quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực trang thiết bị gia dụng, đồ nội thất lắp ráp, Ikea luôn tìm kiếm cơ hội để tối ưu hóa nguồn cung, đảm bảo chi phí thấp cho khách hàng.

Vì vậy, thông qua doanh nghiệp Việt Nam là Công ty cổ phần Xuân Hoa, Ikea bắt đầu chuyển hướng một phần chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bởi so với Trung Quốc, nơi lâu nay được xem là công xưởng sản xuất hàng hóa của thế giới thì Việt Nam hiện là quốc gia có chi phí sản xuất thấp hơn (lương công nhân chỉ bằng 50% so với Trung Quốc). Đặc biệt, Việt Nam và Trung Quốc gần nhau về vị trí địa lý, giao thông thuận tiện nên nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất sẽ dễ chủ động hơn.

Cũng vì những lý do tương tự, các nhà cung cấp của thương hiệu Apple, GoerTek tại Trung Quốc và Foxconn tại Đài Loan, hay Công ty sản xuất đồ nội thất nổi tiếng của Mỹ là Haverty Furniture cũng đã chuyển sang Việt Nam xây dựng nhà máy, đẩy mạnh sản xuất.

doanh nghiep ngoai tang mo rong dau tu
Khu vực FDI tại Việt Nam hiện nay giữ vai trò chủ đạo trong cán cân xuất nhập khẩu cả nước

Những trường hợp trên đây là các ví dụ về xu hướng tăng đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Giao dịch quốc tế, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát doanh nghiệp FDI về môi trường kinh doanh Việt Nam 2018 cho thấy, các doanh nghiệp FDI rất lạc quan.

Có đến 53,1% doanh nghiệp FDI thông báo hoạt động sản xuất kinh doanh của họ có lãi trong năm qua; 58,2% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô lao động và 56% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam đến năm 2021. Nhận định của phần lớn doanh nghiệp FDI về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng tốt hơn.

Ngoài các yếu tố khách quan thúc đẩy doanh nghiệp tăng mở rộng đầu tư tại Việt Nam (như căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc) thì từ 3 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng thực thi các quy định đối với doanh nghiệp FDI (tỷ lệ doanh nghiệp FDI dành hơn 5% quỹ thời gian cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm từ 66,2% trong năm 2017 xuống còn 42,6% trong năm 2018).

Thay đổi mà hầu hết doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực nhất khi kinh doanh tại Việt Nam hiện nay là 3 lĩnh vực mà thủ tục hành chính được cho là rắc rối nhất đều đã tiết giảm đáng kể về cả thời gian cũng như các loại giấy tờ (hải quan giảm 28%; bảo hiểm xã hội giảm 26%; và thuế giảm 25%).

Tuy nhiên, chất lượng lao động tại Việt Nam không tăng bao nhiêu trong hàng chục năm qua, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI. Có đến 74% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng vị trí cán bộ kỹ thuật. Hay 84% doanh nghiệp khó tuyển được vị trí giám sát và 91% doanh nghiệp khó tìm vị trí quản lý.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã có gần 30.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 345 tỷ USD. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí nước. Các quốc gia hiện có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam là Nhật Bản, Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.

Đặc biệt, việc thu hút vốn FDI của Việt Nam được phân bố khá đồng đều tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với 45 tỷ USD, tiếp theo là Hà Nội với 33,2 tỷ USD, Bình Dương với 32,1 tỷ USD. Nguồn vốn này có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước, bởi khu vực FDI tại Việt Nam hiện nay giữ vai trò chủ đạo trong cán cân xuất nhập khẩu cả nước (chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu và gần 60% nhập khẩu). Việc các doanh nghiệp FDI đang mở rộng, tăng vốn đầu tư vào Việt Nam là những tín hiệu vui.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều