Doanh nghiệp Nhật chú trọng thị trường Việt Nam

12:00 | 05/07/2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ là “miền đất lành” cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản. 

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka và thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một số hoạt động xúc tiến đầu tư như gặp gỡ, đối thoại với 25 tập đoàn công nghệ hàng đầu của Nhật Bản, tọa đàm bàn tròn với các nhà đầu tư, DN lớn, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.

Với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản vì sự thịnh vượng và tin tưởng lẫn nhau”, hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức mới đây tại Tokyo đã thu hút hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự.

doanh nghiep nhat chu trong thi truong viet nam
Siêu đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài do Liên doanh Sumitomo và BRG đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ là “miền đất lành” cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Việt Nam có vị trí địa kinh tế và thương mại cực kỳ quan trọng trong khu vực và trên thế giới, các nhà đầu tư Nhật Bản là người thấu hiểu điều này. Đặc biệt, năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,08%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới.

Về độ mở đầu tư, tính đến nay, tổng vốn đầu tư FDI Việt Nam thu hút đạt trên 350 tỷ USD với 28.000 dự án đang hoạt động và đã giải ngân trên 200 tỷ USD. Riêng năm 2018, trên 35 tỷ USD đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Qua khảo sát của JETRO, trên 70% DN Nhật Bản muốn đầu tư mở rộng làm ăn ở Việt Nam và đang dẫn đầu các DN châu Á. Các DN Nhật đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thường xuyên tổ chức và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại với các DN, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia 14 FTA và 3 hiệp định đang đàm phán. Điều này khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu. Xếp hạng về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ 60/125 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện Việt Nam đang thúc đẩy thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đây sẽ là nơi hội tụ chất xám người Việt Nam và tri thức toàn cầu.

Một tiềm năng khác là ngành nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao. Trong năm qua, nông nghiệp luôn được ví như mỏ vàng xuất khẩu với nhiều sản phẩm giữ vững vị trí trong top đầu của thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su, rau quả, gỗ, lâm sản, cá… Cụ thể, năm 2018, ngành nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 40,5 tỷ USD, đứng thứ 15 thế giới. Hay ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cũng đang cần tiếp tục kêu gọi đầu tư. Do phát triển kinh tế nhanh, nhu cầu năng lượng ở Việt Nam cũng tăng rất mạnh, bình quân khoảng 10%/năm.

Cùng với đó, du lịch Việt Nam với nhiều tiềm tăng vượt trội đang đứng thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng du lịch quốc tế đạt trung bình 30%/năm, đã có hàng chục tỷ USD FDI vào ngành du lịch những năm qua. Bên cạnh đó, tiềm năng của một thị trường bán lẻ có quy mô hơn 150 tỷ USD và thị trường bất động sản sôi động luôn là đích ngắm hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư quốc tế…

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, DN Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như: bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã trao đổi các MOU về việc hợp tác để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng số vốn cam kết lên tới 3,75 tỷ USD.

Đoàn Trần

Tin đọc nhiều