Du lịch trực tuyến: Bổ sung nhân lực chất lượng cao

09:25 | 10/07/2019

Việc đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ cho du lịch tuyến đang được ngành du lịch rất quan tâm triển khai.

Quảng Bình tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển
Du lịch đường thủy TP.HCM: Tầm vóc chưa xứng với tiềm năng
Du lịch trực tuyến: Khi cơ hội đồng hành cùng thách thức

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam ngày càng phát triển và thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của du lịch trực tuyến. Theo báo cáo của Tổng Cục Du lịch, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 8,4 triệu lượt khách (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018); phục vụ 45,5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 22,9 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 10 thị trường gửi khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất gồm có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Nga, Malaysia, Thái Lan, Úc, Anh.

du lich truc tuyen bo sung nhan luc chat luong cao
Ảnh minh họa

Hiện đã có nhiều DN, thương hiệu quốc tế tham gia vào mảng kinh doanh du lịch trực tuyến ở Việt Nam như Agoda, Booking, Traveloka… Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Việt Nam đang bước vào cuộc CMCN 4.0 và ngành du lịch cũng từng bước thay đổi bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng du lịch trực tuyến và công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh và đạt được hiệu quả tương đối tốt. Phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm, đồng thời còn mang lại lợi ích không nhỏ cho các công ty du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ với mức giá tốt nhất. Du lịch trực tuyến ở Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng. Theo báo cáo Google và Temasek, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD.

Hiện nay, lĩnh vực này cũng mới phát triển ở Việt Nam và rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo các chuyên gia, so với các nước trong khu vực thì chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này là do nhân lực du lịch hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển toàn cầu, nhiều DN du lịch trên thế giới đã đưa trí tuệ nhân tạo vào phục vụ du lịch, phát triển mạnh du lịch trực tuyến. Chính vì vậy, việc đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ cho du lịch tuyến đang được ngành du lịch rất quan tâm triển khai.

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến nay tổng số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được cấp phép đạt 2.297 doanh nghiệp. Cả nước hiện có 25.131 hướng dẫn viên được cấp thẻ.

Theo Tổng cục Du lịch, hiện tại cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước. Trong đó chỉ 42% được đào tạo về chuyên môn, 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu khá trầm trọng nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt với sự bùng nổ của du lịch trực tuyến trong những năm gần đây với việc áp dụng công nghệ mới, thì rất cần nguồn nhân lực bổ sung đủ đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đều phát triển du lịch trực tuyến ở nhiều mức độ khác nhau. Chính vì vậy nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực này khá lớn. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist cho biết, đối với các DN kinh doanh phát triển du lịch trực tuyến, nhân lực là rất quan trọng, đòi hỏi từ đội ngũ quản lý đến nhân viên đều phải vững những kiến thức về công nghệ để sử dụng vận hành trong hoạt động kinh doanh. Bởi vậy bên cạnh việc tuyển dụng những nhân lực được đào tạo chính quy thì DN cũng phải tự đào tạo thêm nhân viên nâng cao trình độ về chuyên môn. Đồng thời liên kết, cử cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kinh doanh trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đem lại lợi thế trong cạnh tranh.

Chính vì vậy, việc nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến hiện nay cũng đang được ngành du lịch Việt Nam tích cực đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ năng kinh doanh trực tuyến áp dụng trong lĩnh vực du lịch.

Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) thống nhất ký thoả thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến. Theo đó mục đích là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các Hội viên VITA đáp ứng nhu cầu triển khai du lịch trực tuyến trong thời đại kinh tế số và cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao cơ hội kết nối kinh doanh trực tuyến giữa các hội viên của hai Hiệp hội. Thông qua đó giúp các DN kinh doanh du lịch trực tuyến ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, đủ năng lực đáp ứng hoạt động kinh doanh và cạnh tranh toàn cầu về du lịch.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều