Doanh nghiệp gạch ốp lát: Đang có sự phân hoá mạnh | |
Phát triển gạch không nung: Chủ trương chưa “gặp” nhu cầu thị trường |
“Thượng đế”... ngó lơ
Chủ trương chuyển đổi sản xuất gạch, ngói sang công nghệ không nung nhằm bảo vệ môi trường, đất canh tác... đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai từ nhiều năm nay. Song, trên thực tế tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác, vật liệu thân thiện với môi trường trong đó có gạch không nung vẫn đang gặp khó khăn trên thị trường, khi nhiều “thượng đế”... ngó lơ.
Gạch không nung vẫn rất khó tiêu thụ trên thị trường |
Theo cơ quan chức năng, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu mét khối đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp, 150.000 tấn than, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ sản xuất truyền thống này tiếp tục kéo dài thì nhiều địa phương sẽ phải đối mặt với tình trạng mất đất canh tác, ô nhiễm môi trường.
Trong khi, sản xuất gạch không nung sử dụng nguyên liệu như, xi măng, đá mạt, xỉ than... hầu như không gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở, DN sản xuất gạch không nung thường không đòi hỏi nhiều về mặt bằng sản xuất, chi phí sản xuất cũng thấp hơn gạch nung truyền thống.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, hiện có 12 nhà máy sản xuất gạch không nung các loại. Nhiều DN ra đời từ khá sớm, được trang bị công nghệ hiện đại. Trong đó, CTCP Đầu tư Hồng Hoàng Hồng là một trong những DN đầu tiên được đầu tư đồng bộ để sản xuất gạch không nung cung cấp cho thị trường Đà Nẵng và địa phương lân cận.
Ông Trần Xuân Tùng, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hồng Hoàng Hồng cho biết, gạch không nung có nhiều ưu điểm hơn so với gạch đất nung truyền thống đó là cường độ chịu lực, khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm cao. Kích thước viên gạch lớn cho phép giảm chi phí nhân công, đạt được tiến độ nhanh hơn cho các công trình xây dựng. Đặc biệt, lượng vữa dùng để xây tường, tô tường gạch không nung thường ít hơn so gạch đất nung...
Mặc dù, có nhiều ưu điểm, thân thiện môi trường nhưng hiện nay trên thị trường gạch không nung vẫn đang vất vả cạnh trang với gạch nung truyền thống. Tình hình này càng bi quan hơn ở thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa... Trên địa bàn Đà Nẵng, một trong những địa phương đang có tốc độ xây dựng nhà cửa khá nhanh.
Nhưng, đến nay số lượng công trình sử dụng gạch không nung vẫn rất khiêm tốn. Chỉ các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước có sử dụng gạch không nung, còn lại các công trình của người dân rất ít nhà sử dụng loại vật liệu này.
Mặc dù, để hỗ trợ, phát triển vật liệu không nung trong đó có gạch không nung từ năm 2014, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 03 về tăng cường sử dụng vật liệu không nung. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các DN sản xuất gạch không nung.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Vậy, nguyên nhân nào khiến người tiêu dùng chưa mặn mà với gạch không nung, mặc dù loại vật liệu xanh này có nhiều ưu điểm, được Nhà nước khuyến khích sử dụng? Nguyên nhân đầu tiên, theo nhiều người do tâm lý của các “thượng đế”, vốn quen sử dụng các loại gạch nung truyền thống. Thói quen này đã tồn tại hàng trăm năm nay, nên việc thay đổi thói quen không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai...
Bên cạnh, do một số DN còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sẵn sàng tung các sản phẩm gạch không nung chưa đủ tiêu chuẩn ra thị trường. Điều này, đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. Trước tình hình một số công trình sử dụng gạch không nung xảy ra những sự cố về chất lượng, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều sản phẩm của các DN sản xuất gạch không nung, không đáp ứng được các tiêu chí về kỹ thuật.
Trong đó, một số DN không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây không nung theo QCVN 16:2014/BXD và TCVN 6477:2011 (nay là TCVN 6477:2016). Đơn cử, cường độ nén của gạch ống kích thước 390x100x190, không đảm bảo theo TCVN 6477:2011. DN bán sản phẩm gạch cho khách hàng trong khi gạch chưa đảm bảo đủ thời gian đông kết...
Do sản xuất không đủ tiêu chuẩn, nên khi thi công một số công trình sử dụng gạch không nung đã xảy ra hiện tượng co ngót, rạn nứt hoặc tường bị thấm... Ngoài vấn đề chất lượng, thêm một nguyên nhân nữa khiến gạch không nung khó tiêu thụ trên thị trường do nhiều thợ xây không muốn thi công bằng vật liệu này.
Ông Lê Tươi, trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), một chủ thầu xây dựng cho biết, thông thường nếu thi công bằng gạch đất nung bình thường, thao tác của người thợ dễ dàng hơn, khi cắt, chặt viên gạch rất dễ. Trong khi, nếu thi công bằng gạch không nung việc cắt, chặt rất khó, khối lượng viên gạch cũng lớn, nặng nề hơn... nên khi nói đến gạch không nung thì hầu như người thợ xây nào cũng tỏ thái độ thờ ơ.
Tuy còn những vướng mắc, nhưng việc phát triển sản xuất gạch không nung vẫn là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng. Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung.
Theo đó, đến năm 2020 vật liệu không nung chiếm 40% sản lượng vật liệu xây dựng. Mặc dù, đã có những chủ trương hỗ trợ, nhưng để sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường, các DN sản xuất gạch không nung còn nhiều việc phải làm.
Trước hết, các DN phải cam kết tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về chất lượng vật liệu không nung; Sản phẩm đảm bảo chất lượng, được chứng nhận hợp quy; Ban hành hướng dẫn kỹ thuật, quy trình thi công tương ứng với từng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng...
Bên cạnh, những nỗ lực của DN để gạch không nung không còn gặp khó trên thị trường, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan. Trong đó, tập trung khuyến khích người tiêu dùng, nhất là thông qua tuyên truyền trực quan bằng các công trình đã sử dụng sản phẩm.
Đồng thời, khuyến khích đầu tư sản xuất, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN sản xuất vật liệu xanh, thân thiện môi trường trong đó có gạch không nung xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.
Bài và ảnh Nghi Lộc