Gia tăng cơ hội, giảm thiểu rủi ro

13:38 | 04/12/2015

Sự kiện Việt Nam cùng 11 nước có chung bờ biển hoàn tất đàm phán các thỏa thuận TTP đã mở ra “cơ hội vàng” cho các DN, NH tiến bước vào thị trường lớn.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng - Phó tổng giám đốc Vietcombank, tham gia vào TTP, Việt Nam sẽ càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới nhờ sự tăng cường tự do hóa nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội qua các cam kết mở cửa cao. Quá trình này đem lại những cơ hội tốt cho các DN xuất khẩu của Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam và các nước tham gia TTP.

Do các thành viên TTP đều là các nước có trình độ phát triển cao, nên Việt Nam được đánh giá là có lợi ích hơn cả nhờ quá trình hội nhập với các nền kinh tế với trình độ công nghệ; quản lý phát triển cao hơn, có thị trường với sức tiêu thụ lớn...

gia tang co hoi giam thieu rui ro
TTP không chỉ đem lại thuận lợi mà còn đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống NH

Trong hoạt động NH, TTP cũng có những thuận lợi trong việc mở rộng thị trường trong nước và tiếp cận thị trường nước ngoài. Trước hết, các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho hệ thống NH tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh cũng như có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP.

Bên cạnh đó, TPP sẽ tạo triển vọng cho ngành thương mại Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho các NHTM Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các DN xuất khẩu trong tương lai. Ngoài ra, lĩnh vực tài chính – NH sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung.

Theo đó, Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành NH – một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các NH nội địa.

Nói như trên không phải TTP chỉ đem lại thuận lợi mà nó còn đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống NH. Đó là khi sự tham gia ngày càng sâu rộng của NH nước ngoài, đặc biệt các định chế tài chính đến từ Mỹ, Nhật Bản và Úc thì áp lực cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng tăng lên. Các NH nước ngoài với tiềm lực tài chính và khả năng quản trị chuyên nghiệp sẽ gia tăng sức ép đối với khối NH trong nước.

Chiến lược “bán lẻ” của các NH nước ngoài với những thế mạnh về sản phẩm dịch vụ, công nghệ, kỹ năng tiếp cận khách hàng chuyên sâu có thể khiến NH nội địa mất dần các phân khúc thị trường quan trọng. Bên cạnh đó, việc mở “room” tuy giúp các NH nội địa có thể tiếp nhận luồng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, nhưng sức ép bị thâu tóm và chi phối cũng tăng cao.

Ông Phạm Mạnh Thắng cho rằng: trong ngắn hạn, tác động đối với ngành tài chính NH không quá đáng kể do ngành tài chính NH không phải là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ TPP như các ngành sản xuất mà sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp thông qua việc cung cấp dịch vụ, hỗ trợ vốn cho các DN xuất khẩu.

Đồng thời, TPP vẫn cần một khoảng thời gian để chính thức có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên sau khi đạt được thỏa thuận cơ bản chung. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi các điều kiện thị trường dần được xóa bỏ, mức độ cạnh tranh trong ngành cao hơn, những cam kết của TPP lại trở thành thách thức đối với thị trường tài chính của Việt Nam.

Những thách thức này đến từ những hạn chế hiện hữu của hệ thống NH, thị trường tài chính trong nước. Đó là: lợi nhuận của các NH chủ yếu vẫn đến từ mảng tín dụng, thu nhập từ mảng dịch vụ - nhất là sản phẩm cho vay tiêu dùng, sản phẩm bán chéo nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho khách hàng - tuy đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn ở mức thấp nếu so sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong khi đây sẽ là mảng cạnh tranh trực tiếp với các NH nước ngoài khi TPP có hiệu lực. Bên cạnh đó, quản trị rủi ro của các NH trong nước còn nhiều bất cập, nợ xấu hệ thống NH còn cao, hệ thống quản trị rủi ro của một số NHTM chưa bao quát hết các loại rủi ro, thiếu các công cụ để lượng hoá và phòng ngừa rủi ro…

Đó là chưa kể một số NH có năng lực quản trị yếu, mô hình tổ chức quản lý chưa phù hợp… Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các NHTM khi tham gia thị trường thế giới.

Có thể thấy, khi tham gia TPP, buộc các NHTM sẽ phải chủ động cải tiến hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể khai thác triệt để các cơ hội khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Vietcombank luôn luôn chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về TPP và có những chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh mới trên cả 2 phương diện: đối nội và đối ngoại.

Về đối ngoại, Vietcombank đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác, kinh doanh với các NH trên toàn thế giới, chủ động thực hiện nhiều chương trình xúc tiến quan hệ, gặp gỡ, trao đổi cấp cao với các đối tác trong và ngoài nước và đã thu được nhiều thành công, ghi dấu ấn trong việc xây dựng và củng cố quan hệ song phương và đa phương, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh.

Về quản trị nội bộ, Vietcombank đã chủ động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới và chủ động tham gia thị trường tài chính toàn cầu; mở rộng phạm vi khách hàng, sản phẩm dịch vụ và áp dụng chính sách khách hàng, chính sách giá linh hoạt.

Mặt khác, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, công tác quản trị điều hành hướng đến NH hiện đại cùng nhiều dự án nâng cao năng lực cạnh tranh được Vietcombank bắt đầu được áp dụng từ năm 2014 và triển khai đồng bộ trong năm 2015.

Hiện tại, Vietcombank cũng đang tiên phong thực hiện chủ trương của NHNN trong việc triển khai thí điểm dự án nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo Basel II nhằm mang đến một lợi thế chiến lược và sự thay đổi cơ bản về quản trị trong hoạt động NH.

VCB

Tin đọc nhiều