Giải quyết tranh chấp: Cách nào để đôi bên cùng thắng?

10:00 | 22/11/2018

Trong bối cảnh nguy cơ các tranh chấp ngày càng gia tăng khi các DN mở rộng địa bàn và đối tác kinh doanh thì những phương thức giải quyết tranh chấp văn minh như hòa giải, đối thoại hay thông qua trọng tài sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng các hợp đồng xác lập được tăng lên nhanh chóng từng giờ, từng ngày. Các tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng kinh doanh thương mại giữa các bên cũng không ngừng tăng lên.

Để giải quyết các tranh chấp có nhiều phương thức, trong đó việc “lôi nhau ra tòa” có lẽ là cách thức phổ biến nhất khi các bên chủ thể của hợp đồng lâm vào tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

giai quyet tranh chap cach nao de doi ben cung thang
Ảnh minh họa

Tuy nhiên bên cạnh con đường tố tụng thì hoạt động giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (bằng hòa giải, trọng tài) được xem là những phương thức văn minh, có nhiều ưu điểm và được hầu hết các nước trên thế giới khuyến khích áp dụng. Trong đó, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận của các bên thông qua hoạt động của trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.

Tại Việt Nam, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có một chương mới về công nhận thoả thuận hoà giải thành ngoài Toà án. Tháng 2/2017, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại. Những quy định này được xem là khuôn khổ pháp lý cần thiết để thúc đẩy sự phát triển hoạt động hoà giải ngoài Toà án tại Việt Nam.

Ưu điểm của hoà giải là các thông tin của vụ việc được bảo đảm bí mật, giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Thủ tục giải quyết tranh chấp thân thiện, thời gian giải quyết nhanh chóng, với chi phí thấp và văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Kết quả hòa giải, đối thoại thành công sẽ được các bên tự nguyện thi hành mà không cần đến sự can thiệp của cơ quan thi hành án. Hòa giải thành công cũng sẽ giúp giữ gìn uy tín của các bên, giúp hàn gắn các quan hệ bị rạn nứt và có thể giúp khôi phục và củng cố hợp tác kinh doanh như khi chưa xảy ra tranh chấp…

Xin dẫn ra đây một ví dụ về hiệu quả và thời gian giải quyết bằng hòa giải đối với một tranh chấp: Người mẹ là Phó chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tài chính của một công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, được quyền đồng ký tên chủ tài khoản của công ty, nhưng đã ủy quyền cho con trai - cũng là cổ đông của công ty - lĩnh tiền mặt từ tài khoản đó nhằm chiếm dụng tiền của công ty. Theo điều lệ Công ty và Luật DN, giao dịch này thuộc trường hợp phải được HĐQT thông qua trước khi xác lập và thực hiện, nhưng do không được thông qua nên vô hiệu. Nếu giải quyết bằng khởi kiện ra Tòa án yêu cầu tuyên giao dịch đó là vô hiệu, thì riêng thủ tục ủy thác tư pháp ra nước ngoài để xác định quan hệ mẹ con đã mất khoảng 4 đến 6 tháng, thời gian chuẩn bị và xét xử tại Tòa án ít nhất mất khoảng 4 đến 8 tháng nữa. Tuy nhiên, tranh chấp đó đã được giải quyết thành công thông qua thương lượng và hòa giải trong thời gian chưa đến 2 tháng.

Tuy lợi ích là vậy nhưng vẫn còn đó những vướng mắc, bất cập cả về mặt luật pháp, quy định; cả về mặt nhận thức, hiểu biết hay sự quan tâm không đầy đủ đối với việc áp dụng pháp luật hợp đồng của các chủ DN và những yếu tố này dẫn đến thực tế số lượng các vụ giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án chưa cao.

Thực tế cho thấy, những bất cập, vướng mắc về hợp đồng sẽ luôn xuất hiện dù lớn hay nhỏ. Giải pháp tốt nhất của DN là trong toàn bộ quá trình xác lập và ký kết hợp đồng phải luôn đặt câu hỏi nhằm hiểu rõ về chủ thể ký kết hợp đồng, về nội dung điều khoản, về hiệu lực, về lợi ích cốt lõi của mình trong hợp đồng, về nghĩa vụ trách nhiệm, từng nội dung thỏa thuận liệu có xảy ra tranh chấp hay không, nếu có thì sẽ giải quyết như thế nào? Có câu trả lời tốt là cơ sở vững chắc cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng trong khi giảm thiểu được nguy cơ phát sinh tranh chấp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguy cơ các tranh chấp ngày càng gia tăng khi các DN mở rộng địa bàn và đối tác kinh doanh thì những phương thức giải quyết tranh chấp văn minh như hòa giải, đối thoại hay thông qua trọng tài sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Bởi xét cho cùng, công lý không chỉ đơn giản là việc tuyên “kẻ thắng, người thua”, mà quan trọng hơn là tìm ra được phương thức giải quyết phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh và nguyện vọng thực sự của hai bên, để làm sao cả hai bên cùng thắng.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều