Giảm một đồng tiền mặt có 6 đồng vốn cho vay

12:00 | 11/10/2017

Các NHTM hiện có nhiều chương trình khuyến mại cho người dân khi sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán tiền hàng. Điều này đã thực sự khuyến khích người dân thanh toán bằng thẻ ngân hàng.

Quẹt thẻ để “giải nhiệt” cho ATM
Thêm nhiều chức năng tiện ích tại POS của Agribank
Thanh toán điện tử Việt Nam tăng 8%

Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đối với phát triển kinh tế - xã hội và tiện ích của người dân là điều không thể phủ nhận. Giảm đi một đồng tiền mặt trong lưu thông, làm tăng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, đồng nghĩa với việc đem lại hơn 6 đồng vốn để ngân hàng cho vay phát triển sản xuất và đáp ứng lợi tích tiêu dùng của người dân. Ngoài ra thanh toán không dùng tiền mặt còn chống thất thu thuế, rửa tiền, giảm chi phí in ấn tiền mặt, an toàn cho người dân khi phải mang nhiều tiền mặt bên mình…

Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, như sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, cải cách trong thanh toán thuế, thanh toán tiền điện… Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua hệ thống ngân hàng cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân với nhiều chương trình khuyến mại để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.

giam mot dong tien mat co 6 dong von cho vay
Ảnh minh họa

Tính đến quý II/2017 hệ thống ngân hàng đã phát hành 121 triệu thẻ ngân hàng tăng trên 222% so với quý IV/2012, số tài khoản cá nhân tăng 75%, các điểm giao dịch thẻ như máy ATM, POS, mPOS… cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, xét ở góc độ nào đó, mức độ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế, chưa đồng đều, ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa người dân vẫn chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán giảm không nhiều, đến tháng 7/2017 tỷ lệ này là 15,4% chỉ giảm có 2,5% so với cuối năm 2012.

Hiện nay, NHNN đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu: (1) Nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán. Đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch/năm. (2) 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán khi mua hàng; (3) 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ thu ngân sách Nhà nước.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đã được đặt ra, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư. Cùng với đó, các NHTM hiện có nhiều chương trình khuyến mại cho người dân khi sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán tiền hàng. Điều này đã thực sự khuyến khích người dân thanh toán bằng thẻ ngân hàng.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý ở đây, để thúc đẩy hơn nữa việc thanh toán qua thẻ, thì ngoài việc tăng cường công tác phổ biến kỹ năng tài chính, truyền thông, quảng bá, các TCTD cần tạo sự chuyển biến rõ nét hơn về nhận thức trong thanh toán qua POS, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác tại điểm bán cho người dân. Các điểm bán hàng cũng cần có những hình thức khuyến khích người dân thanh toán thẻ khi mua hàng, thay vì khuyến khích thanh toán bằng tiền mặt như một số siêu thị hiện nay đang áp dụng. Cùng với các giải pháp đó, cần thúc đẩy hơn nữa việc triển khai chương trình tài chính toàn diện, vì đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Tin đọc nhiều