Giáo dục hấp dẫn hợp tác công - tư

11:46 | 15/04/2019

Sau hạ tầng giao thông thì giáo dục đào tạo hiện đang là lĩnh vực có khá nhiều dự án PPP chuẩn bị được triển khai.

Có thể thành lập quỹ riêng để hỗ trợ các dự án PPP
Cập kênh nguồn tài chính cho giáo dục

Trường học hút mạnh vốn tư nhân

Đầu tháng 4 vừa qua, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn tài chính để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực - Bệnh viện trong ngày theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

giao duc hap dan hop tac cong tu
Với sự tham gia của khối tư nhân, hạ tầng nhiều cơ sở đào tạo lớn đã được hoàn thiện đạt chuẩn quốc tế

Phía Đại học Y Phạm Ngọc Thạch cho biết, ngay khi chọn được nhà đầu tư, đơn vị sẽ bắt tay xây dựng các chương trình đào tạo và nghiên cứu. Nhà đầu tư sẽ bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi đó nhà trường sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo. Cả hai bên sẽ hợp tác vận hành trung tâm vừa đào tạo vừa khám chữa bệnh để phục vụ nhu cầu học tập nghề y, bao gồm cả lý thuyết và thực hành thực tiễn tại các bệnh viện.

Câu chuyện thuê tư vấn quốc tế chuyên nghiệp để thúc đẩy gọi vốn tư nhân của Đại học Y Phạm Ngọc Thạch như kể trên là một ví dụ cho thấy những dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục đã bắt đầu được các trường học chú trọng. Thực tế, tại địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam thời gian vừa qua hàng loạt các trường học đã cởi mở hợp tác đầu tư với các DN lớn trong nước và các tổ chức quốc tế để phát triển những mô hình đào tạo theo hướng gắn nhiều hơn với thị trường lao động và chia sẻ những hình thức đào tạo thực nghiệm.

Chẳng hạn, tháng 3 vừa qua Trường Cao đẳng Kent (quận Bình Thạnh) đã chấp nhận chuyển nhượng 66% cổ phần cho CTCP Du lịch Vietravel để phát triển mô hình đào tạo nhân sự chuyên biệt trong lĩnh vực du lịch; Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã nhận khoản vốn vay ODA 155 triệu USD của WB để phát triển dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Trong khi đó, Tập đoàn Hùng Hậu Holdings chỉ trong vòng 2 năm đã hoàn tất mua lại Đại học Văn Hiến và vươn ra khu vực miền Trung mua thêm các trường Cao đẳng Vạn Xuân, Trung cấp Vạn Hạnh, Trung cấp Vạn Tường, Âu Lạc. Tập đoàn Thành Thành Công cũng không chịu kém cạnh khi bỏ vốn lớn mua lại Đại học Yersin và Trường Cao đẳng Sonadezi.

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, nhờ điều kiện pháp lý đối với PPP khá rõ ràng và cụ thể, đến hiện tại các dự án lĩnh vực giáo dục áp dụng hợp đồng BOT tại địa bàn TP.HCM đang có hiệu quả khá tích cực. Toàn thành phố hiện có 36 dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP tại 24 quận, huyện. Kế hoạch trong năm 2019 sẽ đầu tư xây dựng mới hàng loạt trường học, như: Trường THCS Lê Văn Nghề, quận 3 (127 tỷ đồng), Trường THCS Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình (200 tỷ đồng), Trường THPT Trần Văn Kiểu, quận 6 (250 tỷ đồng); Trường liên cấp EMASI quận Thủ Đức… Tất cả các dự án này sẽ được thực hiện theo hình thức PPP.

Cần dứt khoát với bài toán quỹ đất

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hiện nay trung bình mỗi năm ngân sách TP.HCM chi ra khoảng 2.700 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường học. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 65.000 người học thì nhu cầu xây thêm các cơ sở đào tạo là vô cùng lớn. Vì thế hợp tác công - tư, xã hội hóa đầu tư giáo dục là con đường duy nhất để giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành giáo dục TP.HCM hiện tại.

Ông Lê Hoài Nam cho biết, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho tất cả các trường học, đơn vị trực thuộc sở để đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đối với hình thức đầu tư PPP hiện nay chỉ có phương thức hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO) là đang khả thi và có hiệu quả. Thách thức lớn nhất đối với các cơ sở đào tạo và nhà đầu tư vẫn là khó khai thác nguồn quỹ đất dành cho giáo dục đang vốn ngày càng hạn hẹp tại địa bàn thành phố.

Ở phía nhà đầu tư, đại diện TWGroup cho rằng có 5 yếu tố chính để một dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục có thể tiến hành thành công. Đó là sự chấp nhận mạo hiểm của chủ đầu tư; tính chủ động trong tiếp cận thông tin về quỹ đất; những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương; nguồn lực và phương thức quản lý của doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ cộng đồng, phụ huynh.

Tuy nhiên hiện nay, yếu tố minh bạch và thủ tục vận hành khai thác quỹ đất dành cho giáo dục là chưa được triển khai tích cực. Nhiều dự án giáo dục bị ngưng trệ do quá trình đền bù, giải tỏa không thực hiện được dẫn tới mất cơ hội cạnh tranh và khi triển khai cũng kém hiệu quả.

Đồng quan điểm, ông Dilip Parajuli - Chuyên gia Kinh tế Giáo dục cấp cao WB cho rằng điều khiến các nhà đầu tư tư nhân lo ngại nhất đối với các dự án PPP lĩnh vực giáo dục là những rủi ro liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù đất. Bởi đầu tư các cơ sở giáo dục chủ yếu hướng theo các nhu cầu học tập của thị trường lao động và cư dân. Vì vậy, nếu một dự án chậm triển khai không chỉ bị đội vốn mà còn mất lợi thế cạnh tranh, sụt giảm hạch toán nguồn thu cho cả nhà đầu tư và các cơ sở đào tạo.

Để giải quyết nút thắt về quỹ đất, theo kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trước mắt các chính quyền TP.HCM cần chỉ đạo rà soát lại toàn bộ nguồn đất dành cho giáo dục để có phương án giao cho các cơ sở đào tạo và các nhà đầu tư tư nhân. Ở khu vực nội đô để tạo điều kiện cho việc tận dụng không gian và tránh lãng phí mặt bằng, Bộ Xây dựng nên cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học cao tầng.

Ngoài ra, để hỗ trợ các dự án PPP lĩnh vực giáo dục đang chuẩn bị được triển khai tại TP.HCM giai đoạn 2019-2020, chính quyền TP.HCM cũng cần xem xét kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách đặc thù giảm thuế thu nhập DN cho các chủ đầu tư để thu hút nguồn vốn từ các quỹ tài chính và các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Bài và ảnh Thạch Bình

Tin đọc nhiều